Những cuộc trốn chạy bất đắc dĩ

(Dân trí) - Bán hết những gì có thể để mua từng ống thuốc tiêm cho con, đến khi không còn gì bán để trả nợ bệnh viện, họ đành gạt nước mắt ôm con trốn viện.

Đầu hàng số phận vì không còn tiền

Tối 26 Tết Quý Sửu, trời nhá nhem tối, gió lạnh thổi ù ù ngoài hành lang các khoa phòng của BV Nhi Trung ươnT.Ư. Thời tiết khắc nghiệt là vậy mà khu vực ghế đá, hành lang và cả gốc cây vẫn thấy la liệt bóng người nằm, ngồi thiếp ngủ. Họ là người nhà của những bệnh nhân nghèo đang cố gắng lấy lại sức trong giấc ngủ chập chờn, sau một ngày dài mệt mỏi. Ở một góc hành lang khoa Ung bướu, có ai đó buông tiếng thở dài khi nhắc đến Tết. Có lẽ đối với  họ, mùa xuân năm nay dường như vẫn ở xa lắm!

Đa phần những người còn nằm đây có con cháu không may lâm bệnh hiểm nghèo phải đưa lên BV điều trị. Không có tiền thuê nhà, họ đã chọn cách nằm tạm bợ trong khuôn viên BV.

Vẻ mặt phờ phạc, dáng người mệt mỏi vì mất ngủ kéo dài, chị Nguyễn Thị Lương, ở Hòa Bình cho biết: “Con gái 6 tuổi bị bệnh tan máu bẩm sinh đang điều trị ở đây. Dù cháu có thẻ BHYT nhưng theo quy định, gia đình vẫn phải trả 20% viện phí. Trung bình một đợt điều trị, số tiền phải đóng cũng hơn 20 triệu đồng, đó là chưa kể tiền mua các loại thuốc ngoài danh mục BHYT mà có ống thuốc lên tới 2 triệu đồng. Nhà có cái gì đáng giá cũng đã bán sạch hết rồi. Đành cố gượng cho cháu điều trị thêm được ngày nào hay ngày ấy. Ở xung quanh đây, những người có hoàn cảnh tương tự thế không ít. Mới hôm qua, một anh ở Yên Bái có đứa con 4 tuổi, bị bệnh nặng cũng đã gạt nước mắt đưa con trốn viện về quê vì không còn bấu víu vào đâu được nữa!...”

Tại buổi họp giao ban của BV K, sổ theo dõi lại ghi thêm một trường hợp trốn viện. Đó là bệnh nhân ở Hưng Yên, bị ung thư trực tràng giai đoạn 2. Theo hồ sơ, bệnh nhân nhập viện từ cuối năm 2007 và điều trị liên tục trong 4 tháng. Sau phẫu thuật bệnh nhân này được cho về nhà nhưng mỗi tháng phải lên BV 2 lần (khoa Nội 2) để theo dõi, truyền hoá chất. Dù đã có BHYT chi trả, nhưng bệnh nhân này vẫn phải tự trả thêm một số chi phi khác. Hiện, số tiền còn nợ là 3 triệu đồng.... 
 
BS Trần Phan Dương, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư, cho hay: mỗi năm tại BV có hàng trăm trường hợp bệnh nhân không thanh toán viện phí. Năm 2008, tính đến thời điểm này đã có 90 trường hợp trốn viện phí với tổng số tiền là 347 triệuđồng. Người ít thì vài chục nghìn đồng, người nhiều có khi lên tới vài chục triệu...

BV K cũng đã thống kê đến tháng 11/2008 có 96 bệnh nhân trốn viện, với tổng số tiền chưa thanh toán (nếu không tính tiền tạm ứng) là 247 triệu đồng.

Những cuộc trốn chạy bất đắc dĩ  - 1
 
(Nhiều bệnh nhân K đã cạn kiệt cả về thể chất lẫn tiền bạc)
 
Tại những BV chuyên khoa tim mạch, ung thư hay những BV thường xuyên phải tiếp nhận các bệnh nhân nằm điều trị dài ngày như... vào dịp cuối năm, phòng Tài vụ của các BV này thường thống kê riêng một danh sách dài những bệnh nhân... trốn viện. Một số BV có cử nhân viên lần theo địa chỉ bệnh nhân (đăng ký khi nhập viện) để đến đòi thanh toán nhưng đa phần đều quay trở lại tay không bởi các bệnh nhân trốn viện đều ở vào hoàn cảnh cực chẳng đã...

Cả hai bên cùng khổ

Theo ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K, gần 70% bệnh nhân đến điều trị tại BV K có BHYT và được thanh toán tối đa 80%. Tuy nhiên, điều trị ung thư thường rất tốn kém. Hiện tại nước ta chưa sản xuất được thuốc điều trị ung thư, nguồn thuốc này phải nhập từ nước ngoài với giá đắt. Chẳng hạn, tính trung bình tại khoa Nội 2 (điều trị bệnh nhân ung thư vú, phụ khoa, phổi, tiết niệu), chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân cũng khoảng 15 - 20 triệu đồng. Nếu điều trị bằng thuốc mới có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Đó là gánh nặng mà không phải bệnh nhân nào cũng trang trải được nên đã có không ít bệnh nhân trốn viện, bỏ dở điều trị.

TS Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết: "Tình trạng bệnh nhân nghèo trốn viện diễn ra từ nhiều năm nay nhưng hiện chính sách của Nhà nước là tăng cường hỗ trợ còn phía BV phải chấp nhận. Nghĩa là mỗi năm Nhà nước sẽ có một nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo để hỗ trợ cho nguồn viện phí bị thất thoát do bệnh nhân nghèo trốn viện. Tuy nhiên, nếu lượng viện phí thất thoát quá lớn thì phía BV phải chịu trách nhiệm và báo cáo lên Bộ Y tế; BV trực thuộc tỉnh, thành phố thì báo cáo lên UBND tỉnh, thành phố để có giải pháp chỉ đạo. 

Theo ông Kính, để giải bài toán rất nan giải này. Hiện tại, Nhà nước khuyến khích xã hội hoá công tác khám chữa bệnh, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, BV chủ động thu hút các nguồn quỹ để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Chính sách nâng cấp hơn 600 BV tuyến huyện cũng nhằm để giảm bớt khó khăn với bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, chính sách BHYT cũng thực hiện triển khai BHYT toàn dân, trong đó có rất nhiều ưu ái, hỗ trợ nhóm người nghèo, người cận nghèo. Với những chiến lược này, hy vọng gánh nặng cả hai phía: bệnh nhân nghèo và nhà nước sẽ vơi đi phần nào.

P. Thanh. - T. Hưng