Những cục cứng ở ngực có phải ung thư?

(Dân trí) - Tôi hiện vẫn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Thời gian gần đây, mỗi khi cho con bú xong, ngực mềm đi tôi lại sờ thấy dưới vú có một cục cứng. Tôi rất lo lắng liệu đó có phải dấu hiệu của ung thư? (Nguyễn Hà Huyên, Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Nội)

TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, bệnh viện K Hà Nội trả lời:

Bất cứ người phụ nữ nào, nếu sờ thấy hay cảm giác thấy có một hay nhiều khối u trong vú thì nên đi khám ngay để xác định nguyên nhân. Vì dù đó là khối u lành hay khối u ác thì đều phải tiến hành điều trị.

Việc xuất hiện cục cứng ở vú, có thể xảy ra các trường hợp sau đây:

Đó có thể là một khối u. Để phân biệt khối u lành hay u ác, có mấy dấu hiệu sau: U lành thường chậm phát triển, trong khi đó, u ác thường phát triển nhanh. Vì thế, người ta thường khuyên đi kiểm tra sớm khi phát hiện có cục, u ở vú để thường xuyên kiểm tra kích thước khối u. U lành thường đau, cương khi sắp đến kỳ kinh nguyệt, có ranh giới rõ ràng và hay gặp ở người trẻ. Còn u ác thì đau ở bất cứ thời điểm nào, không liên quan đến kỳ kinh nguyệt, không có ranh giới rõ ràng và hay gặp ở người cao tuổi.

Tuy nhiên, để xác định được đây là u lành hay u ác, chỉ có thể đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, sinh thiết khối u.

Đây cũng có thể là do hiện tượng tắc tuyến sữa gây ra. Vì tuyến vú có rất nhiều tuyến sữa đổ vào, nếu một tuyến sữa tắc có thể gây nổi cục. Cục nhiều hay ít, to hay nhỏ, đau nhiều hay đau ít tuỳ thuộc vào tình trạng tắc tuyến sữa. Có người, chỉ có cục ở vú khi sữa quá đầy mà chưa kịp cho con bú, nhưng khi trẻ bú xong, vú mềm ra thì hiện tượng này sẽ hết.

Nhưng cũng có trường hợp tắc tia sữa gây cục cứng, ấn thấy đau vài ba ngày. Tuy nhiên, không nên để tình trạng tắc tia sữa kéo dài, càng để lâu, càng đau, gây sốt. Thậm chí, tắc tia sữa lâu quá có thể gây áp xe, tổn thương, phát thành túi mủ và cần dùng kháng sinh để hạn chế viêm tấy và trích dẫn lưu mủ.

Hay có những người bị đa u xơ vú, trong vú có nhiều cục u nhỏ, lổn nhổn bằng đầu ngón tay. Tuy vậy, cũng cần phải đi kiểm tra, theo dõi thường xuyên, 6 tháng đi khám một lần vì nếu tốc độ u xơ lớn quá sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ.

Hồng Hải (ghi)