Những chuyện “nói không thành có” trên đường dây nóng

(Dân trí) - Đường dây nóng của Bộ Y tế hơn 1 năm qua nhận được trên 100 nghìn cuộc gọi. Nhiều sai phạm, thái độ ứng xử của nhân viên y tế được phản ánh, chấn chỉnh. Nhưng trong số đó cũng có nhiều cuộc gọi “nói không thành có”, phản ánh hoàn toàn sai sự thật.

Báo tiêm nhầm thuốc rồi... tắt máy

Mới đây nhất, ngày 16/1/2015, đường dây nóng Bộ Y tế nhận được một cuộc gọi phản ánh về thái độ của nhân viên y tế xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng . Theo đó, người gọi điện bày tỏ bức xúc của người dân khi đưa con đến đây tiêm bởi thái độ của nhân viên y tế rất thờ ơ, không hỏi han, quan tâm, thậm chí có nhân viên còn tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân….

Ngay sau khi nhận được thông tin nói trên, Bộ Y tế đã đề nghị ngành y tế Hải Phòng kiểm tra sự việc. Sở Y tế Hải Phòng đã vào cuộc. Sau khi rà soát lại các quy trình tiêm, khám chữa bệnh cho các bệnh nhân tại trạm cho thấy thái độ của các nhân viên y tế ở đây đều tương đối tốt, đặc biệt không có trường hợp nào bị tiêm nhầm thuốc.

Sở Y tế Hải Phòng cũng đã liên hệ lại với số điện thoại đã liên hệ đến đường dây nóng, tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc thì chủ nhân số điện thoại khi thì cho biết đang bận, khi lại bảo nhầm máy… sau đó là tắt máy.

Những chuyện “nói không thành có” trên đường dây nóng

Một cuộc gọi khác ngày 15/1, phản ánh sản phụ Hạnh tại Cần Thơ tr0ng quá trình chờ sinh nở tại BV Đa khoa Cần Thơ, gia đình sản phụ phải bồi dưỡng từ 500 đến 1 triệu thì sản phụ mới được các bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc cẩn thận. Gia đình rất bức xúc và đề nghị đường dây nóng kiểm tra sự việc.

Sau khi vào cuộc, Sở Y tế Cần Thơ đã liên lạc với số điện thoại gọi đến đường dây nóng thì được biết đó là số điện thoại của một người bán hoa quả trên ghe tàu. Người này từ chối gặp gỡ Sở Y tế và cho biết hoàn toàn không phản ánh nội dung trên.

Để làm sáng tỏ vấn đề, xử phạt đúng người đúng tội nếu có, đại diện Sở Y tế TP Cần Thơ đã liên hệ với gia đình chị Hạnh và được biết gia đình không hề phản ánh nội dung trên và bày tỏ lòng biết ơn với các y bác sỹ của BV Đa khoa Cần Thơ đã chăm sóc tận tình cho mẹ con sản phụ Hạnh.

Tương tự, đường dây nóng cũng nhận được phản ánh tại Bệnh viện đa khoa Tam Điệp - Ninh Bình có hiện tượng “bồi dưỡng” khi chờ đẻ. Cuộc gọi vào 17/1/2015  phản ánh một sản phụ có tên Đinh Thị Hoài đến sinh con tại đây và sau sinh, sản phụ này đã bị một bác sỹ đòi bồi dưỡng 600.000 đồng cho kíp hộ sinh.

Tuy nhiên khi kiểm tra, rà soát danh sách các sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Đa khoa Tam Điệp, Ninh Bình trong vòng hơn 10 ngày gần nhất với thời gian cuộc gọi phản ánh thì không có sản phụ nào có tên như trên đến sinh con tại Bệnh viện Đa Khoa Tam Điệp.

Sở Y tế Ninh Bình đã gọi điện đến số điện thoại đã liên lạc tới đường dây nóng thì được biết, chủ nhân số điện thoại là thợ xây đang làm việc tại Hà Nội. Người này cho biết là ngày 17/1 có đến bệnh viện thăm người nhà (người này không cung cấp đến thăm sản phụ nào), khi ngồi ở hành lang và nghe đồn như vậy nên đã gọi điện đến đường dây nóng để phản ánh.

“Trốn” viện rồi tố bác sĩ thờ ơ...

Người phụ trách đường dây nóng Bộ Y tế cho biết, khi nhận được điện thoại của một bệnh nhân có tên là Nguyễn Thị Trang. Bà Trang phản ánh thái độ của các y bác sỹ Khoa phẫu thuật mạch máu bệnh viện Chợ Rẫy đã rất thờ ơ, không quan tâm chăm sóc bệnh nhân…Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Chợ Rẫy kiểm tra thông tin.

Thế nhưng báo cáo của bệnh viện này lại khiến mọi người rất bất ngờ. Theo đó, ngày 21/2/2015 bệnh nhân Nguyễn Thị Trang nhập viện trong tình trạng rất nặng (vỡ phình động mạch chủ bụng). Các bác sỹ đã chỉ định mổ cho bệnh nhân, với chi phí ca mổ từ 20 - 25 triệu đồng và đề nghị người nhà nộp tạm ứng viện phí. Gia đình người nhà chỉ nộp được tạm ứng 2 triệu đồng nhưng nếu không mổ, tính mạng người bệnh sẽ nguy kịch nên  các bác sỹ vẫn tiến hành phẫu thuật bình thường và chăm sóc cho bệnh nhân sau đó. Trong quá trình bình phục, bệnh viên có đề nghị gia đình thanh toán nốt viện phí, gia đình đã hứa hẹn đóng tiền nhưng sau 15 ngày nằm tại bệnh viện, đến ngày 6/3/2015, gia đình đã tự đưa bệnh nhân trốn viện về mà không thanh toán nốt viện phí và sau khi “trốn” viện thì đường dây nóng Bộ Y tế nhận được thông tin trên.

Mới đây, ngày 2/3/2015 chị Trần Thị Hiệp phản ánh đến đường dây nóng cho biết, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã thu sai tiền giường bệnh, mất vệ sinh, không có người trực đường dây nóng….

Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết, chị Hiệp là mẹ của 1 bệnh nhi đến điều trị tại Bệnh viện.  Tuy nhiên, đang điều trị dở thì chị Hiệp tự ý đưa bệnh nhân về 9 ngày dịp Tết và sau đó lại nhập viện. Bệnh viện Tai Mũi Họng đã bảo lưu hồ sơ bệnh nhân và chỉ thu tiền viện phí 12 ngày trong tổng số 21 ngày trên hồ sơ bệnh án.

Đặc biệt, với vấn đề vệ sinh và đường dây nóng, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết, chị Hiệp thường xuyên gọi cho đường dây nóng của bệnh viện mỗi tối khoảng 30 cuộc gọi chỉ để phản ánh về việc vệ sinh trong khi đó bệnh viện kiểm tra về công tác vệ sinh và vẫn thấy được đảm bảo sạch sẽ. Chị Hiệp cũng thường xuyên có những lời lẽ lăng mạ, chửi bới nhân viên y tế và có một số yêu cầu rất đặc biệt như yêu cầu nhân viên y tế phải cam kết lấy máu 1 lần phải được ngay và không được gây chảy máu cho con chị...

Bộ Y tế cho biết, trong hơn 100 nghìn cuộc gọi đến đường dây nóng, đến 2/3 cuộc gọi không đúng chức năng, nhiệm vụ và có những cuộc gọi sai sự thật như trên. Bộ Y tế vẫn khuyến khích người dân khi thấy những bức xúc về thái độ ứng xử trong khám chữa bệnh, sai phạm trong y tế... người dân hoàn toàn có thể gọi đến đường dây nóng. Nhưng khi phản ánh thông tin người dân cũng cần cân nhắc về nội dung, không xuyên tạc, tố cáo không có cơ sở, căn cứ để đường dây nóng hoạt động thực sự hiệu quả, mang lại những giá trị hữu ích cho người dân.

 Tú Anh