1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những chuyện chỉ có ở... phòng khám nam khoa

Hiện nay phòng khám nam khoa đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhưng xung quanh nó vẫn còn không ít thắc mắc: khám gì ở phòng khám chuyên biệt này? Tại sao phòng khám nam khoa mà phụ nữ cũng… đến khám?!

Bác sĩ không hiểu phụ nữ!

 

Ở Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức có khoa nam học. Người có trách nhiệm và kinh nghiệm cao nhất là GS-TS Trần Quán Anh. Những ca ED có vẻ... thường thôi, dưới mắt các bác sĩ (BS), nhưng lại là nỗi đau khổ của nhiều cặp vợ chồng.

 

Có anh đã khóc nấc lên với GS Quán Anh rằng, vào một đêm vợ chồng anh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện: đưa con sang ông bà ngoại, ăn những món bổ dưỡng, nghe nhạc êm dịu... để bắt đầu một lần sinh hoạt vợ chồng vui vẻ. Nhưng đến khi lâm trận, không biết vì lý do gì mà anh chồng không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. Càng cố gắng càng thất bại thảm hại. Bà vợ mất nhiều công sức chuẩn bị mà chẳng đi đến đâu cả, tức quá, đạp phắt anh xuống giường.

 

Anh nước mắt ngắn dài với GS Quán Anh, nói rằng, nếu GS không "ra tay cứu giúp" thì nguy cơ anh bị vợ bỏ là nhãn tiền, rằng nếu GS không chữa trị được căn bệnh rối loạn này của anh, thì anh chỉ còn nước... giã từ cuộc sống.

 

Nghe chuyện xong, vị GS đầu ngành nam khoa của VN cười lớn, khuyên bệnh nhân không nên mất bình tĩnh đến thế. Nếu càng lo sợ, thì lại càng không thể... làm được gì. Và khi không thực hiện được việc, thì lại càng lo sợ. Chính vòng tròn tâm lý luẩn quẩn này không được tháo gỡ nên bệnh nhân, dù chẳng có bệnh thực thể gì, mà cuối cùng vẫn chịu bó tay. Trước khi khai cuộc, bệnh nhân mắc bệnh tâm lý này luôn phải tự nhủ rằng, mình sẽ là người chiến thắng! Và sau đó là chiến thắng thật, giòn giã luôn.

 

Nhiều khi, đối tác của những ông chồng cũng được gọi tới và được căn dặn, vợ phải luôn là hậu phương vững chắc cho... tiền tuyến. Thế là sự việc lại tròn trịa, xuôi chèo mát mái.

 

Chuyện khác, ở phòng khám nam khoa của Ths-BS Nguyễn Thành Như, bệnh viện Bình Dân, TP.HCM. Một lần, anh trả lời báo chí, với người đàn ông, "bửu bối" chỉ cần 6cm là đã có thể hoạt động "ngon lành" rồi. Âm đạo của phụ nữ là một vị trí kỳ diệu. Nơi đây chấp nhận tất cả kích cỡ, hình dáng của đối tác. Trẻ sơ sinh nặng 4 kg có thể qua được, và cũng chỉ cần một công cụ thực thi nghĩa vụ truyền giống dài có 6 cm cũng được chấp nhận nhiệt thành.

 

Khi báo đăng, một giọng nữ điện thoại đến phòng khám xin được gặp BS Như. Người gọi điện không xưng tên, chỉ nói là đọc được những thông tin mà BS đã cung cấp cho báo chí. Chị nói không phải điện thoại đến BS để xin khám bệnh, mà chỉ để... mắng vốn mà thôi. Chị nói, BS đã không hiểu gì về phụ nữ cả. Phụ nữ yêu cầu ở phái nam số cm nhiều hơn nữa!

 

Nghe điện thoại xong, BS Như vội vàng giải thích, đó là chỉ số tối thiểu theo đúng lý thuyết, có cơ sở khoa học. BS Như, người phụ trách đơn vị nam học, nơi duy nhất tại các bệnh viện phía Nam có chuyên khoa sâu dành cho nam giới đã phải... nhận trách nhiệm với người phụ nữ kia. Gặp chúng tôi, anh cười bảo: "Đúng là mình chưa hiểu gì về phụ nữ cả!".

 

Tại anh hay tại ả?

 

Ở đơn vị nam khoa, bệnh viện Bình Dân TP.HCM, những ca "tiêu hết tiền trước khi đến chợ" hay ED chỉ là bề nổi của những tảng băng chìm trong khi tiếp nhận và chữa trị bệnh nhân của các BS. Công việc nặng nề và nhân bản nhất của các BS tại đây, chính là chữa vô sinh nam.

 

Có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau đã 4 - 5 năm mà chưa có con. Gia đình nhà chồng đổ lỗi lên đầu con dâu, nhiếc móc và bóng gió cô là người bị "điếc", không có khả năng mang thai. Một hôm, đọc trên một tờ tạp chí, cô biết được rằng, vô sinh không phải chỉ riêng trục trặc từ người vợ, mà có khi lỗi lại ở chính anh chồng. Vậy là hai vợ chồng cô quyết định tới phòng khám nam khoa.

 

Kiểm tra tinh trùng đồ của anh chồng, BS Như cho biết, anh đã hoàn toàn không có tinh trùng, mà chỉ có tinh dịch. Vậy nguyên nhân chính, có thể kết luận, là anh chồng phải được điều trị.

 

Trả lại hình dáng cho em

 

Không chỉ có thế mạnh về cái thiện những trục trặc, đơn vị nam khoa còn thực hiện nhiều ca phẫu thuật có một không hai: "chỉnh hình" trong các trường hợp bị cong vẹo, dị dạng.

 

Theo BS Nguyễn Thành Như, nếu dương vật ngắn thì không được gọi là dị dạng. Nhưng nếu cong vẹo quá mức, thì phương pháp tối ưu được lựa chọn vẫn là phẫu thuật. Với nam giới, khi "bửu bối" bị rơi vào trạng thái... bất thường bẩm sinh, như cong vẹo đến quá 30o khi ở trạng thái cương cứng, thì đương nhiên quan hệ vợ chồng sẽ rất khó khăn, đồng thời sẽ tạo cảm giác mặc cảm, tự ti cho người đàn ông.

 

Giải pháp phẫu thuật được lựa chọn, nhưng các BS nam khoa cho biết, sau mổ, tình hình sẽ được cải thiện rõ rệt, tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu hơi cong vẹo, chứ không thể ở tình trạng như một người bình thường được. Còn với những người đàn ông từ 40 tuổi trở lên, nếu có những dấu hiệu bị cong vẹo khi cương thì đó chính là biểu hiện của thể hang bị xơ hóa. Khi đó, việc phẫu thuật mới chính là... trả lại hình dáng cho em, có nghĩa, sau mổ, dương vật sẽ trở lại hoàn toàn bình thường!.

 

BS Như kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện vui, một người đàn ông tới phòng khám nam khoa, ca này khá bất thường, như anh ta diễn đạt: "nó cong và xoắn ngược lên". Các BS quyết định phẫu thuật. Ca mổ thành công, bệnh nhân xuất viện về nhà. Hai tháng sau, do không thực hiện đúng những thao tác và quy trình vệ sinh, nên bị nhiễm trùng, vết mổ lâu lành. Chị vợ hoảng quá, điện thoại lên BS để... bắt đền. Đến nước này thì BS đành bó tay!

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị