Những chính sách mới trong hành nghề dược từ ngày 1-1-2020
(Dân trí) - Từ ngày 1/1/2020, người trực tiếp bán lẻ thuốc tại quầy thuốc phải có trình độ từ trung cấp dược trở lên. Đồng thời quầy thuốc phải triển khai kết nối mạng, có thiết bị theo dõi nhiệt độ tự ghi.
Luật Dược 105/2016/QH13 có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật dược quy định một số chính sách được áp dụng trong lĩnh vực hành nghề dược kể từ ngày 1/1/2020.
Cụ thể:
Nhân sự trong các cơ sở kinh doanh dược
Người phụ trách chuyên môn trong các cơ sở kinh doanh dược phải hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược ít nhất 8 giờ trong 3 năm. Điều kiện này được tính từ ngày Luật dược có hiệu lực thi hành tính từ ngày 1/1/2017.
Đối với người trực tiếp bán lẻ thuốc trong nhà thuốc, từ ngày 1/1/2020 người trực tiếp bán lẻ thuốc phải có trình độ từ trung cấp dược trở lên.
Về trang bị thiết bị theo dõi nhiệt độ tự ghi
Với quầy thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược còn hiệu lực hoặc có Giấy GPP còn hiệu lực, chậm nhất đến ngày 1/1/2020 phải trang bị thiết bị theo dõi nhiệt độ tự ghi với tần suất ghi phù hợp (thường 1 hoặc 2 lần trong một giờ tuỳ theo mùa).
Về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin
Đến 1/1/2020, quầy thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Đồng thời có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ thuốc được thực hiện theo lộ trình, đối với nhà thuốc từ 1/1/2019, đối với quầy thuốc từ 1/1/2020, đối với tủ thuốc trạm y tế xã từ 1/1/2021. Đây là quy định bắt buộc để cơ quan quản lý kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), việc này cũng nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.
Hiện nay, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi. Bộ Y tế sẽ rà soát bổ sung những hành vi vi phạm về việc không chấp hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe.
Theo đó, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, có thể sẽ có thêm hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.
Hà An