Những câu hỏi lớn trong vụ mẹ con sản phụ chết bất thường ở Yên Bái
"Cả một bệnh viện lớn mà cái bình oxy không có”; “Chờ cả tiếng đồng hồ không lên nổi xe cứu thương”; “Bác sĩ đùn đẩy nhau” hay “Sao mẹ nguy kịch mà các bác sĩ không cố cứu lấy con?”... là những lời cay nhức được thốt lên từ cuống họng khô khốc của người đàn ông mà chỉ trong khoảnh khắc, mất đi cả vợ lẫn con. Vấn đề ở chỗ, ngay trước khi vào viện, sức khỏe của hai mẹ con không có gì bất thường.
Mất mát không thể bù đắp
Sự việc đau lòng xảy ra ngày 8.11 tại bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái. Nạn nhân tử vong là chị Phạm Thị Hiền, vợ anh Vũ Văn Được (xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) và bé trai còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời của hai anh chị.
Trong lá đơn đẫm nước mắt được gửi đến Sở Y tế Yên Bái và các cơ quan chức năng khác, anh Được cho biết, khoảng 16h30’ chiều 8.11, thấy vợ có biểu hiện trở dạ, anh đưa vợ đến bệnh viện Sản – Nhi để làm thủ tục nhập viện, chờ sinh.
Sau quá trình thăm khám, khoảng 20h tối cùng ngày, các bác yêu cầu gia đình mua 4 lọ thuốc, về chị Hiền được tiêm 2 lọ. Tiêm xong khoảng 30 phút, chị Hiền được bác sĩ gọi vào khám lại rồi cắm ông truyền dịch. Sức khỏe của 2 mẹ con cho đến tận thời điểm này không có biểu hiện khác thường.
Đến khoảng ngoài 21h, người chồng được bác sĩ yêu cầu cầm tã sang phục vụ quá trình sinh nở. Thế nhưng vừa đến cửa, anh như chết lặng khi liên tục nghe thấy tiếng gọi chị Hiền mở mắt ra. Ngay sau đó, các bác sĩ đều chạy đến để cấp cứu cho vợ anh.
Lá đơn đẫm nước mắt của người chồng, người cha khốn khổ.
Quá trình cấp cứu diễn ra được 1 tiếng thì người chồng khốn khổ được gọi vào phòng trực và nghe tin sét đánh rằng tình hình vợ anh diễn biến xấu, khả năng không qua khỏi, chỉ cầm cự được 1 đến 2 giờ. Lúc này, anh Được yêu cầu chuyển viện cho vợ lên bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, anh Được cũng phản ánh, các bác sỹ và phụ tá đi theo xe cấp cứu đùn đẩy nhau khá lâu, một lúc sau mới có người được cử đến.
“Khi xe đã vào trong phòng thì chỉ có một bình oxy nhỏ. Bác sĩ sợ không đủ nên đã đi cả xe ra ngoài kho để lấy thêm bình oxy. Tầm khoảng 50 phút sau không thấy xe cứu thương đâu, tôi đã vào phòng trực để tìm bác sĩ nhưng không thấy. Tôi chạy lên tầng hai gặp bác sĩ mổ. Tôi nói: “Các anh định để vợ tôi chết à? Cả một bệnh viện lớn mà cái bình oxy không có!”.
Nói xong tôi chạy xuống tầng dưới gặp bác sĩ tôi bảo: “Bác sĩ không đưa vợ tôi đi à?”, bác sĩ bảo: “Ra luôn bây giờ”. Các bác sĩ đẩy vợ tôi ra hè, tôi vẫn chưa thấy xe vào, tôi lại chạy ra ngoài cổng thì tôi thấy các bác sĩ đang sửa bình oxy. Tôi chạy vào trong chỗ vợ tôi, khoảng 20 phút sau mới thấy xe vào” – bản tường có đoạn viết.
Tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sau khoảng 40 phút cấp cứu, chị Hiền và thai nhi đều không qua khỏi. Quá đau đớn trước mất mát, anh Được xin được mang thi thể vợ con về mai táng, khước từ lời đề nghị khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong.
Phản hồi từ bệnh viện
Tối 10.11, anh Được chìm trong nước mắt trong phần lớn thời gian trò chuyện với PV Báo Lao Động. Giọng anh khản đặc do khóc thương. Phều phào thành từng tiếng đứt đoạn qua bờ môi khô khốc.
Khi lấy lại được bình tĩnh, người đàn ông 40 tuổi cho biết, anh và gia đình vô cùng đau đớn và bức xúc trước sự ra đi tức tưởi của hai mẹ con. Mặc dù hiểu được các rủi ro tiềm ẩn trong các ca sinh nở, nhưng anh kiên quyết khẳng định rằng, chính sự tắc trách của các bác sĩ đã gây ra cái chết oan nghiệt cho vợ và con anh.
“Thứ nhất là cách làm việc rất thờ ơ, đùn đẩy. Thứ hai là khi vợ tôi cấp cứu, sao họ không cố mổ cho con tôi sống? Mẹ bị ngất chứ con con có ngất đâu? Một lúc nhà tôi mất đi 2 mạng người. Giờ tôi biết sống thế nào? Đã thế, phía bệnh viện còn chưa được một lời thăm hỏi” – anh Được nức nở.
Mang những bức xúc này tới lãnh đạo bệnh viện Sản – Nhi Yên Bái, trao đổi với PV, ông giám đốc Nguyễn Văn Phong thừa nhận, sự cố xảy ra hôm 8.11 đúng với những gì gia đình nạn nhân đã trình bày trong lá đơn.
“Ngay sau khi sự việc xảy ra, trong buổi giao sáng hôm sau, tôi đã yêu cầu toàn bộ kíp trực làm tường trình, sau đó làm bản báo cáo gửi lãnh đạo Sở”, ông Phong thông tin.
Nói về trường hợp của sản phụ Hiền, ông Phong cho biết, chị này bị thuyên tắc mạch ối. Đây là một triệu chứng rất hiếm, chỉ gặp trong quá trình sinh nở, và hầu như là tử vong, kể cả bệnh viện trung ương cũng rất khó cứu chữa.
Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái.
“Triệu chứng quá đột ngột. 22h vỡ ối thì tắc luôn, tím tái ngừng thở anh em hô hoán nhau đến xử lý. Sau cấp cứu được khoảng 30-40 phút thì tim có đập trở lại nhưng sau đó đến giai đoạn rối loạn đông máu. Các anh em cũng giải thích rõ cho người nhà là rất khó khăn, khả năng sống không còn”, vị giám đốc bệnh viện tâm sự.
Ông Phong trần tình về câu chuyện bác sĩ đùn đẩy: “Bệnh viện chúng tôi mới thành lập, đi vào hoạt động từ 5.9 nên rất thiếu nhân lực. Khoa cấp cứu có 1 bác sĩ thôi nên khi được cử đi, bác sĩ nói: “Đi thì lấy ai ở nhà trực” đâm ra có sự cấn cá. Lúc này anh Được vô tình nghe thấy nên hiểu thành đùn đẩy”.
“Còn nói là thiếu bình oxy cũng không đúng. Trên xe có sẵn bình oxy nhỏ nhưng không đi xa được nên phải thay bằng bình oxy lớn. Mà bình này cao không đặt thẳng trên xe được. Phải chằng buộc lại thật cẩn thận nên mất thêm thời gian”, ông Phong giải thích thêm.
Đặc biệt, về thắc mắc là tại sao không cứu cháu bé, vị giám đốc bệnh viện khẳng định, các y bác sĩ trong kíp trực đã nghĩ đến việc đó nhưng không thể thực hiện được. “Lúc ấy mọi người tập trung vào cứu mẹ thì mất độ 1 tiếng sau muốn quay ra cứu con. Nhưng thực ra cháu bé chỉ thiếu oxy 5 phút là đã tử vong. Mọi người định quay ra cứu con nhưng cũng muộn mất rồi. Vì chị Hiền lúc tắc ối là ngừng thở luôn. Cháu bé cũng không được tiếp oxy nữa”.
Cũng liên quan đến sự cố đáng tiếc này, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trần Lan Anh – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết bà đã nắm được sự việc. Về mặt chuyên môn, bà Lan Anh giải thích thêm: “Việc tắc mạch ối xảy ra khi vỡ ối, khi vỡ ối thì lông rau ở trong ối của người mẹ vào hệ tuần hoàn của mẹ thì tắc ở đâu là bị ở đấy. Ví dụ tắc mạch phổi là bị tím, tắc mạch não là bị liệt, tắc mạch tim là chết luôn. Đây là diễn biến cấp tính xảy ra trong chuyển dạ.
Về phản ánh bệnh viện thiếu phương tiện y tế để hỗ trợ kịp thời khi cấp cứu, vị Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái khẳng định điều kiện cấp cứu tại đây là tối đa, việc tố cáo của gia đình nạn nhân là thiếu cơ sở.
Hiện, sự việc vẫn đang tiếp tục được làm rõ. Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc trong các bài viết tới.
Theo Long Nguyễn
Lao động