1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những cái chết tức tưởi vì chuyển viện

“Cháu tôi chết là vì bác sĩ cố tình trì hoãn, gây khó khăn khi chuyển viện. Họ coi thường mạng sống con người”. Đó là lời ông Lý Tiết Cang, ông nội cháu S. 7 tháng tuổi, tử vong vào 16/8.

 

Những cái chết tức tưởi vì chuyển viện - 1

Bé S. khi khỏe mạnh
 

Ông Lý Tiết Cang (trú ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), kể, rạng sáng 11/8, cháu S. mệt, khó thở nên gia đình đưa cháu từ Vĩnh Châu lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, cháu nhập viện tại khoa Hồi sức tích cực chống độc nhi do bác sĩ Trưởng khoa Âu Hữu Đức trực tiếp điều trị. Năm ngày nằm tại bệnh viện, cháu S. ngày càng trở nặng, mê man, sốt và phù toàn thân.

 

Trì hoãn chuyển viện?

 

Ngày 15/8, quá xót ruột, ông Cang đã gặp bác sĩ Đức xin chuyển viện lên TPHCM. Nhưng bác sĩ Đức giải thích, cháu S. quá yếu, bệnh nặng, nếu chuyển viện phải có xe cấp cứu chuyên dụng, trang bị đủ máy trợ tim, máy thở, máy hút đàm, mà bệnh viện không có loại xe như vậy nên chuyển viện không an toàn. “Tôi chấp nhận lời giải thích của bác sĩ và chờ đợi. Chiều cùng ngày, tình trạng cháu càng nặng thêm nên tôi đã gọi điện cho người thân ở TP HCM thuê xe về Sóc Trăng chuyển viện cho cháu”, ông Cang nói.

 

Đến sáng 16/8, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TPHCM đã liên hệ với bác sĩ Âu Hữu Đức để cho xe xuống Sóc Trăng chuyển cháu S. Không biết bác sĩ Đức nói như thế nào mà sau đó, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương không điều xe xuống nữa. “Tôi không bỏ cuộc. Một lần nữa, người thân của tôi lại tìm được đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp và thuê được xe để đưa cháu lên TP HCM. Tuy nhiên, khi xe chuẩn bị xuống thì bác sĩ Đức bất ngờ thông báo Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cũng có xe chuyển viện cho cháu. Đến chiều 16/8, chúng tôi rất bất ngờ khi xe 115 của bệnh viện đến khi không có đủ trang thiết bị cần thiết như yêu cầu của bác sĩ Đức trước đó. Vì quá nôn nóng nên chúng tôi chấp nhận cho cháu S. chuyển viện. Và trên đường đi, cháu tôi đã tử vong nhưng hai điều dưỡng có mặt trên chuyến xe đó không hay biết gì. Dẫu có kiện tụng thì cháu tôi cũng không sống lại, nhưng tôi vẫn viết đơn khiếu nại để sau này các bệnh nhân khác không phải chết oan như cháu của tôi”, ông Cang nói.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Âu Hữu Đức cho biết cháu S. nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, ngay khi nhập viện cháu đã phải thở máy. "Chúng tôi đã điều trị tích cực và đúng phác đồ nhưng bệnh cháu ngày càng nặng. Gia đình cháu yêu cầu chuyển viện nhưng vì không có xe chuyên dụng nên chúng tôi không thể đồng ý. Đến khi người nhà kêu được xe cấp cứu của Bệnh viện Trưng Vương, bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện này đã quyết định không điều xe xuống vì bệnh tình cháu quá nặng, dù có xe chuyên dụng thì chuyển viện vẫn không an toàn. Đến chiều 16/8, vì gia đình quá bức xúc nên chúng tôi chấp nhận điều xe của Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng để chuyển cháu S. lên TP HCM. Vì xe không đầy đủ phương tiện nên chúng tôi đã yêu cầu gia đình phải làm cam kết. Sau đó sự việc đáng tiếc xảy ra".

 

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, bác sĩ Nguyễn Hoàng Các, khẳng định bệnh viện đã làm hết khả năng. Việc không chuyển viện trong thời gian cháu bị sốc là đúng. Tuy nhiên, khi chuyển viện, biết xe không đủ phương tiện, cháu lại bệnh nặng nhưng bác sĩ Đức đã không cử bác sĩ đi cùng thì đó là lỗi, cần phải nghiêm túc nhìn nhận.

 

Muốn chuyển thì phải xuất viện?

 

Trước đó, tháng 5/2011, anh là Nguyễn Quốc Bảo (ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cũng gửi đơn khiếu nại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ liên quan đến cái chết của con trai anh, cháu H. (14 tháng tuổi). Cháu nhập viện vào đầu tháng tư do bị viêm phổi, nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa. Trong suốt quá trình điều trị, gia đình anh Bảo đã bốn lần xin chuyển viện nhưng không được chấp nhận.

 

Anh Bảo kể: “Từ 19 đến 22 giờ ngày 16/4, chúng tôi hai lần xin chuyển viện nhưng bác sĩ của khoa Nội Tổng hợp trả lời là cuối tuần không chuyển viện, người nhà muốn chuyển thì tự chuyển. Tôi đồng ý tự chuyển nhưng xin được sao chép hồ sơ bệnh án và xin được nhờ dịch vụ chuyển bệnh của bệnh viện thì bác sĩ này trả lời là không có dịch vụ gì hết, muốn thì xin xuất viện. Cuối cùng, giữa đêm, gia đình tôi đã phải ký vào bệnh án xin cho cháu xuất viện rồi tự thuê xe và bác sĩ ngoài đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM. Tại đây, cháu được chuyển vào phòng bệnh nặng và cấp cứu, nhưng 10 ngày sau, cháu chết vì căn bệnh nhiễm trùng huyết/hội chứng thực bào máu”. Theo anh Bảo, kíp trực đã cố tình không cho cháu chuyển viện dù bệnh cháu ngày càng nặng. Bác sĩ ép xuất viện và không cung cấp hồ sơ bệnh án của cháu để làm cơ sở cho tuyến trên điều trị tiếp. Vụ việc này sau đó đã được Ban giám đốc bệnh viện nhìn nhận và xử lý nghiêm bác sĩ sai phạm.

 

Trong cả hai vụ việc trên, điều mà gia đình các bệnh nhân bức xúc chính là cách xử sự của các bác sĩ. Dư luận đòi hỏi phải có biện pháp xử lý nghiêm minh chứ không phải chỉ là sự thừa nhận sai sót hoặc là nghiêm túc rút kinh nghiệm.

 

Theo Thanh Tĩnh

Đất Việt