Những cái chết oan vì chuyển viện không an toàn!

“Trẻ tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện năm 2006 lên đến 21%. Ở nhiều nơi con số này lên đến 80%, thậm chí 100%”, bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Lộc - phó giám đốc BV Nhi TƯ nêu thực trạng đau lòng này tại hội thảo về quá tải ở các bệnh viện (BV) nhi vừa diễn ra.

Những con số đau lòng

 

Cứu người như cứu hỏa! Vậy mà gần đây các BV Nhi TPHCM, Nhi TƯ đều kêu quá tải. “Trong khi đó lại thiếu BS nhi. Như tại đại học Y Hà Nội không một BS nào chọn chuyên khoa nhi. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cho các cháu”, BS Lộc cảnh báo.

 

Tại BV Nhi Đồng I, Nhi Đồng II cũng quá tải năm sau tăng cao hơn năm trước. Riêng tại BV Nhi Đồng I không chỉ quá tải số đến khám mà còn quá tải nội trú bệnh nhân nặng, trong đó 63,4% từ các tỉnh chuyển đến. Năm 2006 số ở tỉnh chuyển về tăng 300% so với 2005.

 

Một nghiên cứu công bố ngày 26/12/2006 cho thấy: phân tích 305 trẻ sơ sinh được chuyển đến khoa cấp cứu BV Nhi đồng I trong vòng sáu tháng thì tử vong sơ sinh trong 24 giờ đầu nhập viện là 7,9%. Nguyên nhân phần lớn do chuyển viện không an toàn... Trong lúc chuyển viện thì 11,3% trẻ không được hỗ trợ hô hấp phù hợp, 7,9% trường hợp có biến cố (trẻ tím tái, co giật, ngưng tim ngưng thở, hết oxy, sút dây, xe hư); khi đến BV Nhi đồng I thì 39% trẻ đã ở trong tình trạng cấp cứu!

 

Lý do chuyển viện có đến 70,3% là vượt khả năng chuyên môn, 29,7% theo yêu cầu của gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư vào cho khoa nhi, đặc biệt là cho sơ sinh, tốn kém nhưng “thu lợi” chẳng bao nhiêu nên nhiều địa phương, đơn vị dẹp bỏ khoa nhi hoặc thu hẹp dần. Hậu quả là phụ huynh thấy không yên tâm nên cứ chuyển thẳng lên BV tuyến trên. Đôi khi đó là những cuộc chuyển viện đầy bất trắc với kết cục bi thảm. Thế nhưng không ai chịu trách nhiệm về vấn đề này!

 

Qui trách nhiệm cụ thể

 

Thực trạng mất cân đối nghiêm trọng về chất lượng điều trị giữa tuyến tỉnh, huyện với BV tuyến TP, trung ương đã kéo dài hàng chục năm qua nhưng chưa được giải quyết hiệu quả.

 

BS Trần Tấn Trâm - nguyên giám đốc BV Nhi Đồng I - nhận định: “Quá tải đã biến các BV lớn tuyến cuối thành... tuyến cơ sở. Vì “thượng vàng hạ cám” đều đổ dồn vào các BV lớn khiến độ phủ rộng không đi đôi với chất lượng. Đây mới chính là cái vòng luẩn quẩn”.

 

Để giải quyết bài toán quá tải, các giải pháp được đặt ra là: xây thêm BV Nhi Đồng 3, Nhi Đồng 4, 5... Nhưng xây ở đâu và nhân sự lấy ở đâu? Có ý kiến cho rằng thay vì xây thêm BV thì tập trung nâng chất lượng khám chữa bệnh cho trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế, mở rộng mạng lưới BS gia đình...

 

Theo một khảo sát, sở dĩ 79,5% bệnh nhi vượt tuyến lên BV Nhi đồng I, Nhi đồng II là do không tin tưởng vào y tế cơ sở. Vậy làm thế nào để nâng chất lượng y tế cơ sở do thiếu hụt BS nhi khiến BS đa khoa làm BS nhi mà không qua đào tạo? Việc mất cân đối trong đào tạo BS nhi khoa lỗi chính là từ Bộ Y tế và các trường đại học y.

 

Do vậy xây dựng thêm BV với trang thiết bị y tế dù hiện đại đến đâu chăng nữa mà thiếu BS giỏi cũng chỉ lãng phí. Mặt khác nếu không nâng chất lượng cho tuyến y tế cơ sở thì dù chuyển viện cũng dẫn đến những cái chết oan. “Phải qui định nghiêm ngặt khi chuyển viện, kế hoạch đào tạo BS nhi, phân bố nhân lực... Đặc biệt phải qui cho được trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra sự cố, tử vong cho trẻ”, nhiều người đề nghị.

 

Theo Kim Sơn

Tuổi trẻ