Những bệnh lây qua nước hồ bơi

Đeo kính bơi, bịt mũi bằng nút cao su khi bơi sẽ không sợ mắc bất cứ bệnh lây nhiễm nào từ hồ bơi? Sai! Đeo kính bơi, bịt mũi bằng nút cao su chỉ có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

1. Phụ nữ có thói quen đi bơi sẽ dễ sinh con?

 

Đúng! Đi bơi trong một thời gian dài, có thể từ khi còn trẻ sẽ làm cho thân hình nở nang, đặc biệt khung xương chậu nở nang, các cơ săn chắc giúp cho quá trình sinh em bé dễ dàng.

 

Ngay cả trong thời gian mang thai, những phụ nữ đã có thói quen đi bơi từ trước vẫn nên tiếp tục đi bơi. Bơi lội là một môn thể thao không quá nặng nhọc nên không gây hại gì cho thai nhi.

 

2. Trẻ đi bơi sẽ có nguy cơ mắc bệnh tai -mũi - họng?


Đúng! Môi trường trong tai - mũi - họng là vô trùng, chỉ có một số vi khuẩn thường trú nhưng không gây bệnh. Khi đi bơi, nếu hồ nước không sạch, vi trùng sẽ lọt vào vùng tai - mũi - họng và gây bệnh. Trẻ bình thường nào cũng có nguy cơ mắc bệnh tai - mũi - họng, nhưng với trẻ đã từng mắc bệnh tai - mũi - họng thì khi đi bơi nguy cơ tái phát còn cao hơn.

 

3. Những người bị mắc các bệnh khớp không nên đi bơi?

 

Sai! Chỉ trừ khi bị đau khớp cấp tính, còn bình thường những người mắc bệnh khớp đi bơi sẽ rất tốt vì môn thể thao này có tác dụng làm tăng sức cơ của khớp. Đặc biệt, đối với trẻ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp đi bơi sẽ cải thiện được tình hình bệnh tật rõ rệt.

 

4. Bệnh viêm kết mạc rất dễ lây lan trong hồ bơi?

 

Đúng! Bệnh viêm kết mạc (dân gian thường gọi là bệnh đau mắt đỏ) thường do virus gây ra và dễ lây lan trong hồ bơi. Trẻ mắc bệnh này nếu chăm sóc không đúng cách hoặc điều trị trễ có thể dẫn đến bội nhiễm hoặc viêm loét giác mạc. Lúc này nếu điều trị không kịp thời bệnh để lại sẹo giác mạc và gây mù.

 

5. Sẽ rất nguy hiểm nếu đi bơi bị mắc bệnh não mô cầu?

 

Đúng! Vi khuẩn não mô cầu có trong nước hồ bơi, khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau: viêm họng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dễ gây tử vong.

 

6. Vừa ăn no xong, thấy người nóng nực nên đi bơi cho mát.

 

Sai! Mới ăn no xong, máu cần dồn đến cơ quan dạ dày để tập trung cho việc tiêu hóa. Nếu đi bơi ngay trong lúc vừa ăn no xong sẽ làm máu dồn về các cơ bắp, ảnh hưởng tới cơ quan tiêu hóa. Nhiều lần như vậy, sẽ gây sa dạ dày, viêm loét dạ dày... Sau khi ăn, nên nghỉ ngơi khoảng 1 giờ đồng hồ rồi hãy bơi.

 

7. Bệnh giang mai, mào gà đều lây qua nguồn nước?

 

Sai! Hiện chưa có nguồn tài liệu nào khẳng định điều này.

 

8. Người mắc bệnh lậu đi bơi sẽ là nguồn lây bệnh cho những người khác?

 

Đúng! Vì bệnh lậu có thể lây qua môi trường nước bình thường nhưng nếu nước hồ bơi bảo đảm được sát trùng thì sẽ không lây bệnh. Thực tế, tại Việt Nam rất ít hồ bơi có nước bảo đảm được sát trùng nên bệnh lậu dễ làm vi trùng rơi vào mắt, làm những người bơi xung quanh dễ mắc bệnh lậu mắt (mắt viêm đỏ, chảy mủ).

 

9. Tôi đang mắc bệnh ghẻ, lang ben. Tôi rất thích đi bơi nhưng không dám vì sợ lây bệnh cho những người bơi khác.

 

Đúng! Ấu trùng (bệnh ghẻ) và tế bào nấm (lang ben) sẽ rớt ra trong nước và gây bệnh cho những người bơi khác. Tốt nhất bạn nên điều trị khỏi bệnh rồi hãy đi bơi.

 

10. Bệnh lao lây lan mạnh trong nước.

 

Sai! Vi trùng lao xuống nước sẽ chết nên bệnh lao không lây trong nước. Bệnh lao chỉ chủ yếu lây qua đường hô hấp.

 

11. Tôi mới bị gãy tay nhưng đã khỏi thì vẫn đi bơi được?

 

Đúng! Nếu người bệnh đủ sức thì vẫn có thể đi bơi. Bơi lội không ảnh hưởng đến vết thương đã lành.

 

12. Người đi bơi có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy từ hồ bơi.

 

Đúng! Vì khi nước hồ bơi dơ người đi bơi uống phải sẽ dễ mắc bệnh tiêu chảy. Hoặc khi có người mắc bệnh tiêu chảy nhưng vẫn đi bơi, trong trường hợp không kiểm soát được “ị” ra ngoài cũng là nguồn lây bệnh cho những người khác.

 

Theo Thùy Dương
Người Lao Động