Những bác sĩ nâng tầm Việt Nam trong “bản đồ” y khoa thế giới

(Dân trí) - Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y Dược của báo Dân trí qua 6 mùa đã vinh danh những con người đã góp phần nâng tầm y học Việt Nam trong bản đồ y khoa thế giới trong bối cảnh nước nhà còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị so với nhiều nước trong khu vực, trên thế giới.

Phẫu thuật “Dr Lương” chinh phục thế giới

Nhắc đến phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp của PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, bạn bè quốc tế đã đặt biệt danh phẫu thuật “Dr Lương”. Hiện lịch giảng bài cho nhiều bệnh viện lớn ở Singapore, Hongkong (Trung Quốc), Australia, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan... đã kín đến hết năm và ngày càng nhiều nước đăng ký được chuyển giao kỹ thuật đơn giản mà lại ít tốn kém này.

Đặc biệt, từng có bệnh nhân người Việt sang Singapore để mổ tuyến giáp được bác sĩ tại đây tư vấn nên về Việt Nam gặp “Dr Lương” vì chính ông dạy họ phưng pháp đó.

PGS Lương thực hành phẫu thuật nội soi tuyến giáp hướng dẫn học viên nước ngoài.
PGS Lương thực hành phẫu thuật nội soi tuyến giáp hướng dẫn học viên nước ngoài.

Điều gì khiến phẫu thuật “Dr Lương” thuyết phục bạn bè quốc tế đến thế dù "sinh sau đẻ muộn"? Đó là bởi hơn 3.500 người bệnh đã được chữa khỏi, không để lại sẹo xấu với chi phí chỉ khoảng 400 USD so với thế giới từ 7.000 - 10.000 USD nhờ TS Lương đã sáng tạo đường mổ riêng bằng những dụng cụ nội soi ổ bụng thông thường thay cho những dụng cụ riêng biệt, khung treo tốn nhiều tiền.

"Tôi cũng như tất cả các sĩ trong ngành luôn mong muốn người bệnh đánh giá đúng giá trị của các kỹ thuật y tế tại Việt Nam, tự tin chữa trị trong nước, vừa giữ nguồn tài chính cho người bệnh, đảm bảo hiệu quả điều trị, vừa giữ nguồn tài chính cho đất nước”, PGS Lương chia sẻ.

“Bàn tay vàng” nâng tầm thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, được bệnh nhân phong tặng người bác sĩ có “bàn tay vàng” vì rất “mát tay” trong chữa hiếm muộn.

Tại BV Phụ sản TƯ, thường xuyên có các đồng nghiệp nước ngoài sang học hỏi kinh nghiệm bởi có nhiều kỹ thuật Việt Nam làm được nhưng các nước khác chưa thực hiện được, như kỹ thuật nuôi phôi dài ngày, kỹ thuật phôi thoát màng, kỹ thuật sinh thiết để chẩn đoán phôi trước khi làm tổ (phát hiện phôi tốt hay phôi có gen bệnh lý)…


GS Tiến bên bé gái được sinh ra từ ca mang thai hộ đầu tiên ở BV Phụ sản Trung ương. Ảnh: H.Hải

GS Tiến bên bé gái được sinh ra từ ca mang thai hộ đầu tiên ở BV Phụ sản Trung ương. Ảnh: H.Hải

Thụ tinh ống nghiệm bắt đầu được thực hiện tại BV Phụ sản TƯ từ năm 2000 và tỉ lệ TTON thành công ngày càng tăng lên, 50 - 60%, cao hơn Singapore, Thái Lan (khoảng 40%) nhưng chi phí lại chỉ bằng 1/10 so với các nước.

Không chỉ thành công với kỹ thuật TTON mà nhiều kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật tạo hình tử cung, phẫu thuật nối vòi tử cung đều được thực hiện rất hiệu quả tại BV Phụ sản TƯ.

Phẫu thuật nội soi nhi đang ở đỉnh cao

GS Liêm biểu diễn phẫu thuật nội soi tại một hội nghị nội soi quốc tế.
GS Liêm biểu diễn phẫu thuật nội soi tại một hội nghị nội soi quốc tế.

Một loạt phương pháp phẫu thuật trẻ em đã được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc BV Nhi Trung ương và hiện là TGĐ BV ĐK QT Vinmec, liên tục cải tiến, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cũng như thời gian nằm viện ngắn nhất cho bệnh nhi.

Ví dụ kỹ thuật mổ phình đại tràng bẩm sinh trước đây một bệnh nhi cứ 3 - 4 tháng lại lên bàn phẫu thuật một lần và phải mổ 3 - 4 lần như vậy. GS Liêm đã sáng tạo và giảm xuống mổ còn 2 lần, rồi 1 lần mổ nhưng vẫn chưa hài lòng bởi đường mổ mở lớn nên ông mạnh dạn mổ nội soi. Năm 1997, GS Liêm đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực tiến hành phẫu thuật nội soi ở trẻ (Singapore tiến hành từ năm 1999).

Hay để chữa thoát vị cơ hoành, năm 2000 GS Liêm đã thành công mổ nội soi ở trẻ lớn và bắt đầu thực hiện dần ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sau 2 - 3 ngày sinh thay vì mổ ngang đường bụng, cắt cơ với sang chấn, nguy cơ tử vong cao. Thế giới phải rất kinh ngạc trước con số gần 70% trường hợp nội soi chữa bệnh này là trẻ sơ sinh, tỉ lệ thành công lên đến 90%của Việt Nam bởi họ không khuyến khích làm ở trẻ sơ sinh.

GS Liêm đã góp phần đưa tiếng tăm của nội soi Việt Nam trên toàn thế giới và BV Nhi TƯ trở thành một trung tâm điều trị nội soi không chỉ cho bác sĩ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.

Ghép tạng Việt Nam không thua các nước

So với thế giới, ghép tạng VN sinh sau, đẻ muộn, nhưng những gì bác sĩ Việt Nam làm được không thua kém quốc tế.

Một bệnh nhân được ghép tim thành công.
Một bệnh nhân được ghép tim thành công.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, cho biết, trong kỹ thuật ghép tạng, khó nhất là ghép gan, tiếp đến là ghép thận, ghép tim thì trình độ của các bác sĩ của Việt Nam không thua bất cứ một nước nào trên thế giới. 100% các ca ghép tại bệnh viện Việt Đức bác sĩ Việt Nam thực hiện với tỉ lệ sống hơn 1 năm chiếm tới 90%, cao hơn hơn với báo cáo của nhiều quốc gia có nền y học phát triển.

Đặc biệt, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận chỉ khoảng trên 200 triệu trong khi ở các nước cùng khu vực là 35.000 USD; hay ca ghép gan đầu tiên từ người chết não là 500 triệu, trong khi ở các nước trên thế giới là từ 1- 1,5 tỷ đồng.

Việt Nam sản xuất thành công vắc xin ngừa tiêu chảy vi rút

Cố PGS.TS Lê Thị Luân, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là chủ nhiệm công trình “Chế tạo hệ thống chủng giống virus vắc xin Rota và sản xuất vắc xin Rotavin-M1 tại Việt Nam”.

Cố PGS Luân (người cầm hoa) được vinh danh vì đã nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin ngừa tiêu chảy do rota vi rút.
Cố PGS Luân (người cầm hoa) được vinh danh vì đã nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin ngừa tiêu chảy do rota vi rút.

Với nhà khoa học này, việc các cháu trẻ nhỏ ở Việt Nam đã được sử dụng loại vắc-xin do trong nước sản xuất, với chi phí hợp lý nhưng có chất lượng, công nghệ tương đương với những nước phát triển nhất là niềm vui lớn nhất của bà.

Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1, trung tâm sẽ xuất khẩu được thành quả của mình ra nước ngoài, góp phần cho công tác phòng các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới.

Người “quẳng” đi đau đớn cho hàng nghìn bệnh nhân

Nói đến đau do thoát vị đĩa đệm cột sống, nhiều người không biết diễn tả thế nào, bởi đau... muốn “chết đi sống lại”. Thế nhưng cái đau kinh khủng ấy đã được giải quyết hiệu quả sau khoảng 2 - 3 tiếng phẫu thuật bằng những ứng dụng các kỹ thuật cao của PGS.TS Nguyễn Văn Thạch (BV Việt Đức).

PGS Thạch kiểm tra cho một bệnh nhân điều trị thoát vị đĩa đệm.
PGS Thạch kiểm tra cho một bệnh nhân điều trị thoát vị đĩa đệm.

Cách đây gần 10 năm, khi các phẫu thuật cột sống còn rất hạn chế, TS Thạch là người tiên phong đi học ở nước ngoài, tổ chức các lớp học trong nước do chuyên gia nước ngoài trực tiếp “cầm tay chỉ việc” ngay trên bệnh nhân. Nhờ thế, Việt Nam là một trong các quốc gia trong khu vực áp dụng sớm nhất các kỹ thuật mổ cột sống, thoát vị đĩa đệm tiên tiến và có thêm nhiều sự sáng tạo giúp hiệu quả của phương pháp đạt cao hơn.

Các kỹ thuật hiện đại phải kể đến như Điều trị bảo tồn đĩa đệm bằng sóng cao tần; Lấy nhân thoát vị ít xâm lấn; Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm bằng nội soi; Thay đĩa đệm nhân tạo; Cố định cột sống bằng phẫu thuật rô bốt….

“Chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới là điều tôi phấn khởi nhất. Bởi không chỉ một mình tôi có thể thực hiện được kỹ thuật này, nhiều đồng nghiệp khác có thể thực hiện. Như thế số bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này sẽ là cấp số nhân”, TS Thạch nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, trình độ, tay nghề bác sĩ Việt Nam không thua gì thế giới, chúng ta chỉ khó khăn hơn họ về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Vì thế, ông mong mỏi người bệnh hãy tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ.

Hồng Hải