Những ai cần đi khám sàng lọc tuyến giáp?

Hà An

(Dân trí) - Bệnh ung thư tuyến giáp đã trở nên khá phổ biến, do vậy việc tầm soát ung thư tuyến giáp là việc cần thiết nên làm.

Ung thư tuyến giáp là một trong 5 loại ung thư có tỷ lệ điều trị khỏi cao nhất nếu được phát hiện và chữa trị sớm. Tuy nhiên, bệnh lại khó phát hiện bởi không có hoặc rất ít triệu chứng lâm sàng, đồng thời cũng rất ít bệnh nhân thường xuyên đi khám tầm soát ung thư tuyến giáp. Thông thường, bệnh được phát hiện khi thăm khám một loại bệnh khác. 

Vì vậy, mỗi người nên chủ động đi tầm soát ung thư tuyến giáp sớm để có thể phòng tránh và phát hiện bệnh sớm, đặc biệt với những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao. 

Những ai cần đi khám sàng lọc tuyến giáp? - 1

Những ai nên đi khám sàng lọc ung thư tuyến giáp

- Ung thư tuyến giáp có thể gặp ở cả nam và nữ từ 25 tuổi trở lên, tuy nhiên nữ giới chiếm tỉ lệ cao hơn.

- Từng phải chiếu xạ vào đầu hoặc cổ từ khi còn nhỏ, tuổi thanh thiếu niên

- Từng chiếu xạ trên cơ thể (chẳng hạn để cấy ghép tủy xương)

- Tiền sử người thân mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp, hội chứng Cowden, FAP, hoặc MEN II...

- Sống trong vùng gần lò phản ứng hạt nhân hoặc trong vòng bán kính 300km nơi xảy ra thảm họa hạt nhân.

Các bước khám sàng lọc ung thư tuyến giáp

- Khám sàng lọc lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa

- Xét nghiệm hormon tuyến giáp: Đo nồng độ TSH, FT3 và FT4, xét nghiệm này được thực hiện để đánh giá chức năng tuyến giáp.

- Siêu âm tuyến giáp: Siêu âm giúp phát hiện các nhân giáp, xác nhận kích thước bướu tuyến giáp, đánh giá cấu trúc tuyến giáp, cung cấp chi tiết liên quan đến đặc điểm khối u.

- Thực hiện sinh thiết tuyến giáp: Sinh thiết gần như chỉ được thực hiện khi bác sỹ phát hiện u tuyết giáp có nhân sau bước siêu âm.