Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2/4

Nhọc nhằn dạy trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

(Dân trí) - Phụ huynh có con bị tự kỷ thường chán nản, suy sụp. Họ rất cần được giúp đỡ để biết cách chăm sóc trẻ tại nhà, nhưng các lớp học dành cho cha mẹ có con tự kỷ còn quá ít.

Tại một trường mẫu giáo trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TPHCM) luôn có những trẻ đến học ngoài giờ. Đó là những em tham gia các lớp “can thiệp cá nhân” (một cô kèm một bé) trong chương trình giáo dục hòa nhập tổ chức tại đây.

Hơn 6 giờ tối, cô giáo Chi vẫn đang dạy bé N.K. (3 tuổi) “học bài”. Gọi là “học” nhưng đây là hình thức học mà chơi, kết hợp với điều trị tâm lý để giúp bé K. có những kỹ năng cơ bản như một đứa trẻ mẫu giáo bình thường.

Chứng kiến một giờ học của trẻ tự kỷ mới thấy được sự kiên trì, bền bỉ của chuyên viên tâm lý. Cô Chi nói: “Lấy cho cô con vịt” thì K. cầm con búp bê. K. đòi món đồ chơi trong tay cô, cô bảo: “Nói cho con đi” thì K. cứ ê a những âm thanh vô nghĩa. Phải mất vài lần yêu cầu, K. mới làm đúng hướng dẫn của cô Chi, cô liền reo lên khen ngợi bé.

Liên hiệp quốc đặt ngày 2/4 là ngày “Thế giới nhận thứcvề chứng tự kỷ”, bởi vì trên thế giới đang có gần 67 triệu người mắc chứng tự kỷ. Số trẻ phát hiện mắc chứng tự kỷ nhiều hơn các ca tiểu đường, ung thư và AIDS cộng lại. 
Cô Chi chia sẻ: “Thật ra bé K. biết phân biệt con vịt và con búp bê, tuy nhiên bé gặp khó khăn khi thực hiện đúng ngay lập tức một yêu cầu mà người khác đưa ra. Bây giờ bé đã lanh lợi hơn trước rất nhiều”.

Bé N.K. đã tham gia lớp học can thiệp sớm dành cho trẻ tự kỷ hơn 1 năm và được đánh giá là có tiến bộ nhiều so với trước kia. Lúc mới nhập học, K. chỉ ngồi chơi một mình, không phản ứng với lời cô Chi nói (mặc dù tai bé vẫn nghe bình thường), không biết đòi uống nước và tiêu tiểu luôn trong quần…
 
Nhọc nhằn dạy trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

Bé N.K. được can thiệp đúng lúc đã phải học 1 năm để nói được hai tiếng “cho con” và rất khó khăn để nói được một câu có 3 âm tiết.
 
Một trường hợp khác là bé T.Đ.K., nhà ở quận Gò Vấp. Sau 2 năm kiên trì tập luyện, lên 6 tuổi, bé Đ.K. đã thể nói được 2 từ và nói đúng tình huống, nhu cầu của mình. Khả năng ngôn ngữ của bé Đ.K. ngang bằng đứa trẻ 2 tuổi, nhận thức thế giới xung quanh của bé được đánh giá sau can thiệp là bằng trẻ 4 tuổi. Vì vậy gia đình đã xin cho bé vào học lớp 1 hòa nhập (bé học dự thính cùng các trẻ bình thường). Trường hợp này được đánh giá là can thiệp sớm thành công.

Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà, chuyên viên tâm lý tại BV Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết: Hầu hết phụ huynh không ai nghĩ rằng con mình bị tự kỷ mà chỉ nghĩ đơn giản là con mình chậm hơn các trẻ khác. Tới khi thấy con thực sự không bình thường mới đưa đi khám. Và khi biết con mình bị tự kỷ, rồi hiểu thế nào là tự kỷ, phần lớn họ đều rơi vào trạng thái buồn nản, suy sụp. Họ rất cần một nơi để chia sẻ và giúp đỡ, vì cuộc chiến với chứng tự kỷ thường kéo dài và rất gian nan”.

Không chỉ điều trị cho trẻ mà chuyên viên tâm lý còn phải “làm công tác tư tưởng” với phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ không chấp nhận sự thật con mình bị tự kỷ. Họ cho rằng bé chỉ bị chậm nói, chậm phát triển, nghe kém… Kéo theo sự ngộ nhận đó là hàng loạt các xét nghiệm, kiểm tra không cần thiết, vừa tốn kém vừa làm khổ con mình.

Việc hỗ trợ sớm cho phụ huynh giúp tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển và giáo dục đối với trẻ trong tương lai thế nhưng hiện nay, rất ít bệnh viện nhi tổ chức các lớp học tập huấn cho phụ huynh để giúp họ biết cách chăm sóc trẻ tự kỷ một cách bài bản (TPHCM chỉ có BV Nhi đồng 1 thực hiện). Còn tại các cơ sở khác, công tác này chỉ được kết hợp khi chuyên viên trao đổi thêm với phụ huynh, hoặc phải “nhín” giờ học của trẻ để dành cho cha mẹ.

Người tự kỷ ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn: cơ hội được can thiệp và giáo dục còn ít ỏi, người tự kỷ trưởng thành khó có việc làm, gia đình có trẻ tự kỷ không quan tâm đến con... Để xã hội nhận thức đúng về chứng tự kỷ, cần có nhiều hoạt động giúp mọi người chia sẻ, quan tâm, chấp nhận người tự kỷ hòa nhập cộng đồng.

 Một số trường hợp trẻ tự kỷ có thể phải mất vài tuần đến vài tháng để có một chẩn đoán tương đối chắc chắn, thế nhưng các hoạt động “can thiệp” (chăm sóc, giáo dục, trị liệu cho trẻ) vẫn có thể được tiến hành ngay.
 
Mục đích can thiệp sớm (trước 3 tuổi) giúp trẻ tự kỷ giảm hành vi định hình (hành vi vô thức), phát triển ngôn ngữ, nhận thức, giúp mỗi trẻ tự kỷ hình thành các kỹ năng cơ bản theo khả năng từng bé. Về lâu về dài, trẻ có thể sống cuộc sống độc lập và thành công ở mức độ có thể, tự phục vụ bản thân và hạn chế phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.
 
Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà

 
Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm