1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhìn từ ca Covid-19 thứ 21: Nguy cơ lây nhiễm trên máy bay có thực sự cao?

(Dân trí) - Rủi ro lây nhiễm trên máy bay đôi khi không chỉ nằm trong giới hạn 2 hàng ghế kế cận, bởi các hành khách đương nhiên không ngồi yên một chỗ trong suốt chuyến bay.

Nhìn từ ca Covid-19 thứ 21: Nguy cơ lây nhiễm trên máy bay có thực sự cao? - 1

Như Dân Trí đã đưa tin, sáng 8/3, Bộ Y tế xác nhận ca mắc Covid - 19 thứ 21 tại Việt Nam là một hành khách đi chung chuyến bay từ Anh về Việt Nam với cô gái ở phố Trúc Bạch (Hà Nội). Bệnh nhân là N. Q.T, nam, 61 tuổi, ở Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội là người ngồi gần hàng ghế với Bệnh nhân N.H.N.

Đến thời điểm hiện tại, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chỉ có 3 đường lây cơ bản của virus corona, bao gồm: Lây truyền qua không khí- ở đây là lây qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp- khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay người bệnh nếu không thực hiện biện pháp phòng bệnh, rửa tay với xà phòng; và lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.

“Máy bay là một không gian công cộng nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao, nhất là khi mầm bệnh có thể sống trên bề mặt trong một khoảng thời gian dài” – Nhà dịch tễ học Aaron Milstone, Bệnh viện Johns Hopkins nhận định.

Theo WHO, đối tượng được xem là tiếp xúc gần với người bệnh, trên máy bay hoặc các phương tiện khác, là người ngồi trong phạm vi 2 hàng ghế kế cận. Vấn đề ở đây là rủi ro lây nhiễm trên máy bay không chỉ nằm trong giới hạn đó, bởi các hành khách không chỉ ngồi yên một chỗ trong suốt chuyến bay, bởi họ còn có thể di chuyển, đi vào nhà vệ sinh, lấy hành lý ở khoang phía trên đầu…

Quay trở lại với đại dịch SARS (2002-2003), được gây ra bởi mầm bệnh có họ hàng gần với SARS-CoV-2, một người bệnh trên chuyến bay từ Hong Kong đến Bắc Kinh đã lây nhiễm cho cả những bệnh nhân nằm ngoài phạm vi 2 hàng ghế như đã nêu.

Nhìn từ ca Covid-19 thứ 21: Nguy cơ lây nhiễm trên máy bay có thực sự cao? - 2

Từ vụ việc xảy ra ở dịch SARS, một nhóm các nhà khoa học cũng đã thực hiện nghiên cứu: Các di chuyển ngẫu nhiên của hành khách trên chuyến bay ảnh hưởng thế nào đến xác suất bị lây nhiễm.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã theo dõi hành vi của hành khách và phi hành đoàn trên 10 chuyến bay xuyên lục địa, xuất phát từ Mỹ, với thời gian bay trong khoảng 3,5 tiếng. Hai nhà khoa học  Vicki Stover Hertzberg và Howard Weiss (Đại học Emory), tác giả của nghiên cứu, không chỉ quan tâm đến cách mọi người di chuyển trong cabin, mà còn cả số lần và thời gian họ tiếp xúc với những người khác.

Nhìn từ ca Covid-19 thứ 21: Nguy cơ lây nhiễm trên máy bay có thực sự cao? - 3

Kết quả thu được chỉ ra rằng, phần đa hành khách trong chuyến bay đều rời ghế của mình vào một lúc nào đó, thường là để sử dụng toilet hoặc kiểm tra hành lý ở khoang phía trên. Cụ thể, 38% hành khách rời ghế của họ 1 lần và 24% rời ghế nhiều hơn 1 lần. Chỉ có 38% hành khách sẽ ngồi yên trên toàn bộ chuyến bay.

“Giả sử như bạn đang ngồi ở ghế sát hành lang và ghế chính giữa và tôi là một hành khách đang đi vào toilet, chứng tỏ bạn sẽ tiếp xúc gần với tôi, nghĩa là khoảng cách của chúng ta trong khoảng 1 mét. Trong trường hợp này, nếu tôi là người bệnh, tôi có thể lây nhiễm cho bạn. Đó chính kết quả mà nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra” – GS Howard Weiss nhấn mạnh.

Nhìn từ ca Covid-19 thứ 21: Nguy cơ lây nhiễm trên máy bay có thực sự cao? - 4

Nghiên cứu này cũng chỉ ra vị trí trên máy bay an toàn nhất để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đó chính là ghế ngồi cạnh cửa sổ. Vị trí này vừa hạn chế rủi ro tiếp xúc gần với những người di chuyển trong cabin (trung bình chỉ có 12 tiếp xúc gần với hành khách khác, so sánh với kết quả lần lượt là 58 và 64 lần ở người ngồi hàng giữa, ngồi sát hành lang); vừa hạn chế việc di chuyển của hành khách, đây vốn là điểm bất tiện nhưng lại giúp hạn chế việc tiếp xúc với người khác (theo nghiên cứu này, chỉ 43% người ngồi cạnh cửa số di chuyển, so sánh với kết quả 80% ở những người ngồi cạnh hành lang).

Tuy nhiên, GS Howard Weiss cũng nhấn mạnh rằng, nguy cơ lây nhiễm trên máy bay vẫn không phải quá lớn bởi thời gian tiếp xúc thường ngắn: “Ngay cả khi bạn ngồi ở ghế sát hành lang và có nhiều người di chuyển qua, thì họ vẫn sẽ đi khá nhanh từ đó giảm thời gian tiếp xúc, đồng nghĩa giảm nguy cơ lây nhiễm”.

Nhìn từ ca Covid-19 thứ 21: Nguy cơ lây nhiễm trên máy bay có thực sự cao? - 5

Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu này, mọi chuyện có thể thay đổi nếu người nhiễm bệnh lại chính là thành viên của phi hành đoàn, đặc biệt là đội ngũ tiếp viên hàng không. Nghiên cứu giải thích: Bởi vì các tiếp viên hàng không dành hầu hết thời gian di chuyển trên hành lang và tương tác với hành khách nên nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn. Kết quả chỉ ra rằng, 1 phi hành đoàn nhiễm bệnh có thể lây nhiễm cho trung bình 4,6 hành khách.

Trong 21 ca mắc Covid - 19 tại Việt Nam, đã có 16 trường hợp khỏi bệnh. 5 ca mới được chẩn đoán gồm nam thanh niên đi từ vùng dịch Deagu (Hàn Quốc) về Việt Nam, được phát hiện bệnh khi đang cách ly tập trung; cô gái Hà Nội bay từ Anh về Việt Nam; 2 ca lây nhiễm bệnh từ cô gái này và 1 hành khách ngồi gần hàng ghế trên máy bay.

Nhìn từ ca Covid-19 thứ 21: Nguy cơ lây nhiễm trên máy bay có thực sự cao? - 6

Minh Nhật

Theo NG, NYT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm