Nhìn mắt đoán bệnh trẻ
Nhiều bệnh tật có thể ảnh hưởng đến mắt và một số bệnh triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở mắt. Trẻ em không thể tự nói ra bệnh tật của mình vì vậy muốn biết con mình có bệnh hay không, cha mẹ cần biết cách quan sát mắt của trẻ để đánh giá sức khỏe của trẻ.
1 - Sáng dậy, mi mắt của trẻ thường bị ghèn dính chặt, mở mắt không được, mi mắt mọng nước và hay chảy nước mắt, nhãn cầu chuyển động có cảm giác đau và mệt mỏi, trường hợp này thường thấy ở trẻ bị cảm cúm thời kỳ đầu.
2 - Mi mắt bị mọng nước, bị sung huyết, sợ ánh sáng, chảy nước mắt..., mí mắt dưới bị xệ xuống hoặc bị hẹp lại, có cảm giác nhìn vật mơ hồ và nhìn hấp háy (phúc thị) nhưng mức độ không sâu, hiện tượng này có thể thấy ở trẻ em bị quai bị (viêm tuyến nước bọt truyền nhiễm).
3 - Bắt đầu mi mắt bị phù nước và có tụ máu bầm, sau đó mi mắt trên xệ xuống, kết mạc bị phù, sung huyết, đồng tử bị giãn to hoặc bị co giật, nhỏ lại, bệnh tình nghiêm trọng có thể thấy nhãn cầu rung giật, hoặc nhìn xếch lên quá nhạy cảm với tia sáng hoặc phản ứng chậm chạp, thường kèm theo viêm kết mạc, kết mạc sung huyết và chất dịch tiết ra, hiện tượng này có thể thấy ở trẻ em bị viêm màng não đang tiến triển.
4 - Mi mắt sưng đỏ như quả đào và có mẩn mụn màu đỏ, cả mắt bị sung huyết, màu máu tím đen, ấn vào có cảm giác đau, khoang mắt thường bị viêm và có mủ, hiện tượng này có thể thấy ở trẻ em bị bệnh tinh hồng nhiệt.
5 - Mắt bỗng nhiên nước mắt lưng tròng, sợ ánh sáng, không muốn mở mắt ra, gặp ánh sáng thì nheo mắt lại, thích bóng tối, mí mắt bị sưng đỏ nhẹ, chất dịch tiết ra nhiều, kết mạc mắt sung huyết, nhìn vật hoa mắt, thị lực giảm rõ, hiện tượng đó báo trước có khả năng trẻ bị lên sởi.
6 - Thoạt đầu sợ ánh sáng, chảy nước mắt, tiếp theo mi mắt bị phù và có thể thấy các mụn nước giống như các giọt nước mọc ở một bên hoặc cả hai bên mí mắt, thị lực giảm, thỉnh thoảng còn có hiện tượng nhìn hấp háy, hiện tương này thường thấy ở trẻ em bị thủy đậu.
7 - Hai mi mắt sưng đỏ nhẹ, có mụn mẩn nổi lên giống như mụn mọc trên mặt và ống dẫn nước mắt (lệ đạo) có thể bị tắc, lỗ đồng tử phản ứng ánh sáng chậm chạp, hiện tượng này có thể thấy ở trẻ bị phong chẩn (mày đay).
8 - Hai mắt có cảm giác như có dị vật, cảm giác bỏng rát, thường cảm thấy nhìn vật mơ hồ, chất dịch mắt tiết ra nhiều, kết mạc sung huyết nhiều, thị lực giảm, hiện tượng này có thể thấy ở trẻ bị viêm kết mạc cấp tính do vi khuẩn (bệnh đau mắt đỏ).
9 - Củng mạc nhãn cầu có màu vàng da cam, nhìn vật thành hai hình mà lơ mơ không thấy rõ, mí mắt đau, đỏ, chảy nước mắt, hiện tượng này có thể thấy ở trẻ bị viêm gan thể hoàng đản (vàng mắt vàng da).
10 - Trẻ sợ ánh sáng, chảy nước mắt, hay quấy khóc, nhãn cầu và đường kính ngang con ngươi tăng lên, hiện tượng này có thể thấy ở trẻ bị thong manh bẩm sinh.
11 - Hai con ngươi mắt bỗng nhiên lệch nhau một bên to một bên nhỏ, đi chân thọt, hiện tượng này chứng tỏ có thể bị bệnh trong sọ não (như có khối u não), phải kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khám chữa.
12 - Nếu thấy lỗ đồng tử rất sáng, có thể sinh ra màu vàng hoặc phản quang màu trắng giống như mắt mèo, thì cần cảnh giác với bệnh ung thư tế bào võng mạc mắt. Loại bệnh này phải điều trị kịp thời, nếu chậm trễ thì có khả năng lan truyền đến sọ não và toàn thân, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Theo Sức khỏe & Đời sống