1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhịn ăn khác xa tuyệt thực

Không hẹn mà nhiều nền y học dân gian Đông - Tây lại gặp nhau ở một điểm. Đó là thầy thuốc khuyên bệnh nhân và ngay cả người chưa bệnh nên thỉnh thoảng nhịn ăn vài ngày để đánh thức sức đề kháng. Bằng chứng là nhiều người cảm thấy khỏe hơn sau khi nhịn ăn ít bữa, nhất là nạn nhân của các căn bệnh có liên quan đến biến dưỡng như gút, tiểu đường, thấp khớp, dị ứng...

 

Nhịn ăn khác xa tuyệt thực - 1

Nhưng nhịn ăn nhằm có lợi cho sức khỏe không đồng nghĩa với tuyệt thực. Người dùng phương pháp này vẫn ăn uống, đặc biệt là uống, trong suốt thời gian áp dụng nhưng chỉ toàn món ăn nhẹ với lượng giảm dần một cách hài hòa và lượng nước khoáng tăng dần. Nhịn ăn chữa bệnh vì thế cần đúng bài bản dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, nhất là khi bệnh nhân cần được theo dõi huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường...

Nói cách khác, tuyệt thực theo kiểu ngắn hạn vài ngày chỉ khiến mau gặp thầy thuốc. Liệu trình “nhịn ăn” thay đổi từ vài bữa đến chục ngày tùy theo yêu cầu điều trị, cơ tạng mỗi người và chỉ định rõ rệt của thầy thuốc quán triệt phương pháp này. Đừng vội bỏ ăn ngay tức khắc vì nhịn ăn quá đột ngột là lý do dẫn đến rối loạn biến dưỡng.

Trong mọi trường hợp, liệu trình “nhịn ăn” để phòng và chữa bệnh bao giờ cũng theo nguyên tắc:

- Cường độ nhịn ăn theo nhịp chậm trong 1/4 thời gian đầu của liệu trình, nhanh hơn trong 1/4 kế tiếp, thật nhanh trong 1/4 sau đó và trở về nhịp chậm trong 1/4 cuối.

- Khẩu phần bắt đầu với tỉ lệ giữa món ăn và thức uống là 4/6 trong 1/4 đầu của liệu trình, 3/7 trong 1/4 sau đó, 2/8 trong 1/4 kế tiếp và trở về 6/4 trong 1/4 cuối của liệu trình.

- Phương pháp nhịn ăn gọi là hiệu quả khi người áp dụng sau đó giảm cân nhưng không mệt, cũng như không thèm ăn đến độ ngấu nghiến ngay sau liệu trình. Khéo hơn nữa là khi thể trọng được duy trì một thời gian dài sau đợt nhịn ăn, thay vì đâu lại vào đó thậm chí là mập hơn xưa khi hết nhịn ăn!

Bên cạnh chuyện nhịn ăn cuối tháng vì hết... tiền, theo chuyên gia ngành nội tiết ở ĐH Heidelberg (Đức), nên áp dụng hình thức nhịn ăn chữa bệnh vài ngày khi phát hiện tình trạng mất quân bình giữa đầu vào và đầu ra của trục biến dưỡng qua các dấu hiệu dưới đây:

- Khó tập trung tư tưởng khi làm việc, mất khả năng làm toán nhẩm.

- Mau mệt, mau hồi hộp khi phải động não.

- Đãng trí theo kiểu mới nghe đã quên.

- Mệt mỏi buổi sáng như người “hết pin” dù không thiếu ngủ.

- Đau đầu vô cớ mỗi tháng hơn 10 ngày.

- Buồn chán dù đang thành đạt.

- Dễ bị bội nhiễm dù không tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

- Dị ứng với các món ăn trước đây chưa hề gây dị ứng.

- Mất ngủ dưới dạng đặt lưng là ngáy nhưng chỉ đến 1-2 giờ sáng là thức trắng.

- Tăng cân dù không ăn béo, thậm chí kiêng cữ nhưng càng kiêng càng phì.

Nếu tưởng chỉ các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa như dạ dày, ruột... trúng đòn vì gia chủ bội thực với thịt mỡ, rượu bia thì lầm. Các cơ quan này đằng nào cũng có đầu ra. Hai cơ quan phải chịu trận đến kiệt sức vì ngộ độc do biến dưỡng sai lầm là lá gan và trái thận! Nhịn ăn đúng là cách xả xú páp nhưng nhịn ăn sai cách chỉ làm gan, thận thêm mệt. Chữa bệnh kiểu nào cũng phải đúng chỉ định, đúng kỹ thuật mới mong hiệu quả.

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Người lao động