1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều trẻ nhập viện vì viêm phổi nặng

(Dân trí) - Viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em Việt Nam. Mỗi ngày có 11 trẻ tử vong vì viêm phổi trong khi tới 95% bà mẹ và người chăm sóc trẻ không nắm được các dấu hiệu nguy hiểm của viêm phổi dẫn đến nhập viện muộn.

"Cánh mũi chưa phập phồng, sao viêm phổi?”
 
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần 10 trường hợp nhập viện vì viêm phổi. Các cháu có biểu hiện thở nhanh khác thường, thở rút lõi lồng ngực, có thể kèm theo sốt, trong đó một số trẻ bệnh nặng phải thở ôxy. Ngoài những cháu bé do uống thuốc điều trị viêm họng, viêm phế quản không đáp ứng, thì rất nhiều cháu khi được chẩn đoán viêm phổi, bố mẹ đều sốc, ngỡ ngàng vì họ không nghĩ tình trạng con mình lại nặng nề đến vậy.
 
Nhiều trẻ nhập viện vì viêm phổi nặng
 
Nằm bên con, chị N.T.V (Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) luôn tự rằn vặt: “Sao mình lại để con bị viêm phổi khi mới được 17 ngày tuổi. Bị viêm phổi sớm vậy, sau này bé sẽ dễ bị lại đúng không?”. Chị V kể, khi được 15 ngày tuổi, mũi bé khịt khịt kèm sổ mũi chị đã cho con đi khám, rửa mũi, nhỏ thuốc hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Dù chưa đỡ hẳn nhưng cũng thấy bé dịu dịu hơn, thỉnh thoảng khúc khắc tiếng ho.
 
“Mẹ chồng mình dặn, cứ để ý cánh mũi con phập phồng là viêm phổi nên mình cũng rất để ý. Thấy con người không sốt (chỉ hâm hấp), ngủ vẫn nhiều nhưng duy nhất không thể bú vì cứ ngậm ti là khóc tím mặt, rồi lại nín. Vậy mà sau một ngày hâm hấp, hôm sau bé cứ ưỡn lên khi bị bế ngửa, buộc phải bế vác những vẫn rất khó chịu. Mình đưa vào viện khám thì đã là viêm phổi, phải nhập viện điều trị. Mình rất sốc khi nghe chẩn đoán của bác sĩ. Mỗi lần bác sĩ tiêm cho con, mình lại càng thấy có lỗi, rằn vặt”, chị V tâm sự. Theo chị V, chị sốc bởi chị không thấy triệu chứng sốt cao ở con, không ho nhiều, cánh mũi chưa phập phồng… sao viêm phổi.
 
Giải thích về những trường hợp này, TS Dũng cho rằng rất phổ biến ở các mẹ. Bởi việc nhận biết dấu hiệu viêm phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ không dễ dàng. Hơn nữa ở thời điểm hiện tại, trời se lạnh, các cháu sơ sinh đều được bố mẹ quấn, ủ quá kỹ nên dấu hiệu dễ nhận biết nhất của viêm phổi là thở nhanh, rút lõm lồng ngực thì không quan sát được.

Nhận biết dấu hiệu sớm của viêm phổi

“Nhiều người luôn thắc mắc, con không ho, không sốt sao lại viêm phổi, nhất là ở trẻ nhỏ. Không giống viêm phổi ở trẻ lớn với những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều, nghe lưng có thể thấy tiếng “rít”, ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, viêm phổi diễn biến rất nhanh và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua. Với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì dấu hiệu sốt, ho là những dấu hiệu không quan trọng, thậm chí nhiều trẻ không sốt (chỉ hâm hấp) và không ho nhưng đã bị biến chứng viêm phổi rất nặng. Những trường hợp này, chỉ mới nghe tim phổi bác sĩ đã có thể chẩn đoán chắc chắn viêm phổi và chụp X- quang sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh phổi bị viêm”, TS Dũng nói.

Vì thế, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh cần chú ý 3 dấu hiệu cơ bản để xác định tình trạng bệnh của bé, kịp thời đưa tới viện. Đó là theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé.

Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú rồi bé lại có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diến biến nặng. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, có những trẻ chỉ có một biểu hiện trong ba biểu hiện đó nhưng đã bị viêm phổi. Vì thế, cha mẹ không nên “đợi” có đầy đủ dấu hiệu mới đi khám, mà thấy trẻ có bất thường về giấc ngủ, hay thấy thở nhanh thì nên đưa con đi khám sớm nhất.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi được cho là thở nhanh khi bé thở từ 60 lần trong một phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi có nhịp thở 50 lần trong một phút trở lên và trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần trở lên trong một phút.

Cách đếm nhịp thở đơn giản nhất là cho trẻ nằm yên, không cho bú và tốt nhất là khi bé ngủ. Người lớn đặt tay trên ngực bé hoặc quan sát bằng mắt. Mỗi lần ngực trẻ phình lên được tính là một nhịp.

TS Dũng khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ thời điểm giao mùa phải rất chú ý trong việc giữ ấm cho trẻ. Khi mới ngủ, bé toát mồ hôi phải lau khô cho trẻ, đêm về sáng trở lạnh phải mặc cho trẻ ấm hơn.
 
Hồng Hải