Nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính ở “ngưỡng cửa” chích ngừa
(Dân trí) - Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp, lây từ người sang người, bệnh gây ra bởi vi khuẩn. Hiện ho gà đã có vắc xin chủng ngừa, tuy nhiên trên thực tế nhiều trẻ chưa được chích ngừa đã nhiễm bệnh, gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 50 triệu người mắc bệnh ho gà, trong đó có khoảng 300.000 người tử vong. Hầu hết ca bệnh tử vong do ho gà là trẻ dưới 1 tuổi, đây là nhóm đối tượng chưa được chích ngừa hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Bệnh ho gà hiện vẫn được xem là vấn đề y tế cộng đồng còn nhiều thách thức ngày cả ở các nước phát triển.
Để đánh giá những tác động do bệnh ho gà gây ra cho trẻ em, BS Phạm Thái Sơn cùng cộng sự tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện nghiên cứu trên nhóm trẻ nhiễm bệnh. Kết quả được công bố tại Hội nghị khoa học Viện Pasteur (tháng 12/2019) cho thấy, trong số 199 trường hợp được chẩn đoán mắc ho gà trên lâm sàng có 139 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn gây bệnh ho gà.
Từ thực tế tổng hợp thông tin, các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng ho, kèm sốt, khò khè, khó thở. Trước khi vào viện nhiều trẻ có tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp trong gia đình hoặc ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó khoảng 10% trẻ bị nhiễm chéo trong quá trình điều trị bệnh lý khác nhưng tiếp xúc với nguồn lây trong bệnh viện. Bệnh nhi mắc ho gà thường đối mặt với tình trạng viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
Hầu hết bệnh nhi trong nhóm trẻ mắc bệnh đều dưới 3 tháng tuổi. Đây là nhóm có nguy cơ bệnh diễn biến nặng và tử vong cao bởi miễn dịch chưa đầy đủ và trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng nhưng kháng thể truyền từ mẹ qua không đủ để phòng bệnh. Nguy hiểm hơn, độc tố ho gà gây viêm phổi cấp tính kích thích niêm mạc tăng tiết nhầy tại các phế quản, tiểu phế quản, tác động trực tiếp lên thần kinh tại niêm mạc hô hấp và trung khu hô hấp, gây ra những cơn ngưng thở. Ở nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân ho gà thường gây suy hô hấp nặng hơn, cơn ngưng thở nhiều hơn.
Thời gian nhập viện nhiều nhất trong năm là từ tháng 3 đến tháng 8, trong đó tháng 5 là thời điểm có nhiều ca bệnh nhất. Khu vực có nhiều trẻ nhiễm bệnh nhất được ghi nhận là miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân và chưa được chủng ngừa (hơn 85% trẻ mắc bệnh chưa chủng ngừa) là đối tượng chính của bệnh ho gà.
Từ thực tế trên, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần chủ động thực hiện chủng ngừa cho trẻ theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia. Cần tiến hành chủng ngừa cho trẻ sớm hơn khi có dịch bệnh. Phụ nữ cần chủ động chủng ngừa trước khi mang thai để tăng kháng thể từ mẹ truyền sang con, giúp bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Ngoài ra, cần chủ động tránh để trẻ nhỏ tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp, giảm tối đa nguy cơ bị ho gà và các bệnh lý truyền nhiễm khác tấn công.
Vân Sơn