Nhiều trẻ em nông thôn mắc bệnh do thiếu nhà vệ sinh

(Dân trí)- Tại Việt Nam, theo ước tính khoảng 6,5% người dân hiện vẫn phải đi vệ sinh ngoài trời và gần một nửa dân ở nông thôn không được sử dụng nhà tiêu đủ hợp vệ sinh để ngăn ngừa các bệnh liên quan tới phân như tiêu chảy.

Đó là một trong những thông tin được đưa ra trong báo cáo mới nhất của UNICEF với tiêu đề: Viêm phổi và tiêu chảy: giải quyết hai căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở nhóm trẻ em nghèo nhất trên thế giới. Báo cáo y đã chỉ ra cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách về sự sống còn của trẻ em trong các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau - đó là khi các biện pháp phòng chống viêm phổi và tiêu chảy có hiệu quả và tiết kiệm chi phí được nhân rộng và đến được với những trẻ em thiệt thòi nhất.

Theo thống kê ngắn của cơ quan y tế, trong vòng 2 tuần vừa qua tại Việt Nam có khoảng 7% trẻ mắc tiêu chảy; hơn 3% trẻ em từ 0-59 tháng tuổi bị viêm phổi hoặc có triệu chứng bị viêm phổi và 73% số trẻ này được đưa đến các trung tâm y tế.
 
Tuy nhiên, nhìn chung tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 51 em trên 1.000 ca đẻ sống năm 1990 xuống còn 23 trên 1.000 năm 2010. Viêm phổi và tiêu chảy vẫn là hai nguyên chính gây tử vong ở trẻ em, chiếm 12% và 10% tổng số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi

Điều kiện môi trường không đảm bảo là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật của trẻ em nông thôn
Điều kiện môi trường không đảm bảo là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật của trẻ em nông thôn

Phòng ngừa và điều trị cả hai căn bệnh trên có nhiều điểm tương đồng, bao gồm các bước căn bản như khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và rửa tay bằng xà phòng; tăng cường tiếp cận với vệ sinh môi trường; phát thuốc bù nước và điện giải (Oresol) cho trẻ em bị tiêu chảy và điều trị kháng sinh cho trẻ em viêm phổi do vi khuẩn.

“Một cách thức đơn giản và hiệu quả khác để bảo vệ trẻ em khỏi bệnh tật đó là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cứ 5 trẻ thì có chưa tới 1 trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn, như vậy có nghĩa là các em bị tước đi một biện pháp bảo vệ hết sức quan trọng”,báo cáo của UNICEF đưa ra nhận định.

Cũng theo báo cáo, thực tế, không được sống trong môi trường vệ sinh sạch sẽ cũng đẩy hàng triệu trẻ em vào nguy cơ nhiễm các bệnh tiêu chảy. Tại Việt Nam, theo ước tính khoảng 6,5% người dân phải đi vệ sinh ngoài trời và gần một nửa dân ở nông thôn không được sử dụng nhà tiêu đủ hợp vệ sinh để ngăn ngừa các bệnh liên quan tới phân như tiêu chảy. Thêm vào đó, tỉ lệ các bà mẹ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh là 36%, trước khi ăn là 23%, sau khi chuẩn bị đồ ăn cho con là 19% và sau khi cho trẻ đi vệ sinh là 15%. 

P. Thanh