1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella

(Dân trí) - Không chỉ riêng ở trứng, mà khuẩn salmonella có nguy cơ xâm nhập vào nhiều loại thực phẩm khác, chủ yếu các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, sữa… gây bệnh thương hàn (tiêu chảy, sốt cao) cho người bệnh và có thể gây tử vong nếu không được điều trị.

Dễ nhiễm vào thực phẩm

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), thông tin tại Mỹ thu hồi hơn một nửa tỷ quả trứng do nhiễm khuẩn salmonella và đã có hơn 1.000 người ốm do nhiễm khuẩn này không phải là quá đặc biệt. Vì trên thực tế, tại Việt Nam, khuẩn salmonella gây bệnh khá phổ biến mà nhiều người dân đều biết đến, đó là bệnh thương hàn. Và nguồn thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn này không chỉ dừng lại ở trứng, mà ở nhiều thực phẩm như thịt, cá, sữa… thậm chí cả rau, do bị ô nhiễm khuẩn này từ môi trường.
 
Nhiều thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella - 1
Khuẩn salmonela có nguy cơ cao nhiễm vào thực phẩm trong quá trình chế biến thức ăn nếu không vệ sinh tay sạch sẽ. Ảnh: H.Hải

“Khuẩn salmonella có trong phân của vật nuôi và khi thải ra môi trường, nước, đất… nó có thể dễ dàng lây nhiễm vào các loại thực phẩm như thịt, cá, sữa... Riêng với trứng gà, người Việt hay có thói quen không rửa vỏ trứng vì sợ trứng “ung”. Khi chế biến đồ ăn, có thể thấy nhiều bà nội trợ cứ thể đập trứng dù trên vỏ trứng còn rất nhiều các đốm lem nhem của phân khô, nên không chỉ có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella mà còn có thể nhiễm cả các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác”, BS Nguyên nói.

Khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn salmonella với số lượng nhiều, khuẩn này sẽ gây gây nhiễm trùng được ruột (phổ biến và nguy hiểm nhất), từ đó xâm nhập vào trong cơ thể. Thường khoảng sau 6h đồng hồ khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn này, người bệnh có biểu hiện nôn, ỉa chảy, đặc biệt là sốt cao. Những trường hợp mà số lượng vi trùng lớn, động lực cao có thể thâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu, tấn công vào các cơ quan khác trong cơ thể và nếu không được điều trị, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Thương hàn khác hoàn toàn với tả, đó là khi bị thương hàn, người bệnh ỉa chảy không ồ ạt như bị tả. Phân người bệnh thương hàn cũng có “màu sắc” là đen, nâu chứ không trắng đục như nước vo gạo ở người bị tả. Đặc biệt, điểm khác hoàn toàn là người bị thương hàn thường sốt cao, có thể lên tới 40 độ C, trong khi bị tả người bệnh tả cơ bản không sốt, thậm chí thân nhiệt còn hạ.

Phòng bệnh đơn giản bằng ăn chín, uống sôi

Vi trùng salmonella gây bệnh thương hàn lây qua đường tiêu hóa kinh điển là phân - miệng. Đa số các trường hợp mắc bệnh là do ăn uống mắc phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trùng lại không được nấu chín, hoặc do ăn phải thức ăn tươi được rửa sạch bằng nguồn nước đã bị nhiễm vi trùng thương hàn như nước sông, nước ao hồ, cống rãnh.

Theo các chuyên gia, không chỉ tồn tại trong phân động vật nuôi, mà nguồn lây khuẩn salmonella ra môi trường tại Việt Nam từ người là rất cao. Do người dân vẫn có tập quán đi vệ sinh bừa bãi. Không chỉ nguy cơ lây từ những người đang biểu hiện bệnh ồ ạt mà cũng có những người lành mang trùng bệnh, nếu không có ý thức vệ sinh sạch sẽ thì sẽ là nguồn lây ra môi trường rất lớn. Có khoảng 3% bệnh nhân thương hàn trở thành người lành mang trùng kinh niên nên tiếp tục thải vi trùng hơn 1 năm sau khi bị bệnh.

“Ở những người đang mang khuẩn salmonella rất dễ lây nhiễm bệnh cho người khác trong quá trình chế biến thức ăn, hay có thể lại lây trực tiếp từ tay - miệng khi bón cơm cho con trẻ. Vì thế, yếu tố vệ sinh là vô cùng quan trọng để phòng ngừa căn bệnh này. Mọi người cần nhớ rửa tay xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn cơm. Còn thực phẩm thì phải nấu chín. Thực hiện vệ sinh, ăn chín - uống sôi thì sẽ không có nguy cơ nhiễm bệnh, vì khuẩn salmonella cũng như nhiều vi khuẩn đường ruột khác hoàn toàn bị tiêu diệt khi nấu chín. Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn sống như nem chạo, tiết canh...”, BS Nguyên nói.

Còn khi có biểu hiện nôn, sốt, tiêu chảy người bệnh nên tới bệnh viện để được điều trị. Căn bệnh này rất hiệu quả với một số kháng sinh đặc trị. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người bị thương hàn thường vào viện muộn, nên nguy cơ biến chứng rất cao, như các biến chứng đường tiêu hóa: xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột… và có thể có nhiều biến chứng toàn thân khác, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. 

Hồng Hải