TPHCM:

Nhiều “sóng gió” còn đe dọa cặp song sinh dính ngực vừa tách

(Dân trí) - Hơn 24 tiếng nguy hiểm nhất sau cuộc phẫu thuật đã trôi qua, tình trạng huyết động học của cặp song sinh đều ổn định. Tuy nhiên, các bác sĩ lo ngại nguy cơ nhiễm trùng, bệnh lý tim mạch bẩm sinh, tình trạng cao áp phổi có thể đe dọa bệnh nhi.

Ngày 27/2, cặp song sinh dính nhau phần ngực con anh Bùi Ngọc G. (24 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Xuân S. (21 tuổi, ngụ tại An Giang) đã được các bác sĩ tách thành công. Tuy nhiên, sự thành công ấy mới chỉ là bước đầu trong cuộc chiến “dài hơi” để mang lại cho các cháu một thân hình khỏe mạnh bình thường như bao trẻ khác.

Hơn 24 giờ sau cuộc phẫu thuật “căng não” chiều 28/2 trao đổi với Dân trí, BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết: “Khoảng thời gian nguy hiểm nhất sau khi tách rời hai bệnh nhi đã qua đi, hiện tình trạng huyết động học của các bé tương đối ổn định, nhưng sóng gió vẫn chưa qua.”

BS Đào Trung Hiếu, chia sẻ khó khăn trong quá trình hồi sức cho hai bé
BS Đào Trung Hiếu, chia sẻ khó khăn trong quá trình hồi sức cho hai bé

Bác sĩ Hiếu cho biết thêm: “Trước khi phẫu thuật, chúng tôi phát hiện cả hai bé đều bị cao áp phổi, nguy cơ trên bàn mổ đã khống chế được. Nhưng sau cuộc mổ tình trạng cao áp phổi có thể bùng phát trở lại dẫn tới suy hô hấp. Để tránh nguy hiểm trên, chúng tôi đang áp dụng biện pháp thở máy với tần số cao và dùng khí để hạ áp.”

Trước khi mổ, hai bé đều “gửi” một phần tim bên lồng ngực của người chị em. Vì thế sau khi được tách rời, một phần tim của hai bé không thể nằm trọn trong lồng ngực. Tình trạng này giống như những bé mắc phải bệnh lý “lộ tim bẩm sinh”. Bác sĩ đã dùng phương pháp căng da tự thân để che phủ lồng ngực bị “khuyết” của các bé. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn rủi ro.

Theo phân tích của BS Trung Hiếu: “Việc che phủ lồng ngực đã ổn định trên bàn mổ nhưng trong thời gian 72 tiếng sau mổ các bé có nguy cơ bị chèn ép tim dẫn đến loạn nhịp, ngưng tim, tử vong. Nếu tình huống trên xảy ra chúng tôi sẽ phải mở lồng ngực để sử dụng miếng che phủ nhân tạo”.

Cùng với những vấn đề trên bác sĩ đang lo ngại về nguy cơ các bé bị suy hô hấp, nhiễm trùng. “Đây là vấn đề có thể xảy ra đối với bất kỳ trường hợp nào sau phẫu thuật, đặc biệt là những cuộc mổ lớn”.

Cuộc chiến để có cơ thể khỏe mạnh của hai thiên thần còn nhiều gian nan
Cuộc chiến để có cơ thể khỏe mạnh của hai "thiên thần" còn nhiều gian nan

Dự kiến sau khi vượt qua quá trình hồi sức, cả hai bé vẫn cần đến sự can thiệp của bác sĩ. “Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng em bé không có hậu môn thì phát hiện trong âm hộ của cháu có một lỗ nhỏ thông với đường tiêu hóa. Lỗ hậu môn thay vì đổ đúng vị trí thì lại đổ vào âm hộ, lỗ này tạm thời có thể tháo phân được nên ê-kíp phẫu thuật quyết định tạm dừng việc tạo hình hậu môn cho bé. Khoảng mười ngày nữa, khi tình trạng sức khỏe của cháu ổn bệnh viện sẽ tiến hành cuộc phẫu thuật này.”

Ở bé gái thứ hai, các kết quả siêu âm và CT-Scan kiểm tra đều phát hiện cháu có một dị dạng đường tiết niệu, thận phải bị ứ nước, niệu quản giãn to và ngoằn nghoèo. “Tình trạng này hiện không phải là mối lo đối với sức khỏe của bé, chúng tôi còn tiến hành khảo sát lại nếu cần thiết sẽ can thiệp.”

Theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Phú (52 tuổi, bà nội của các bé), từ khi mang thai chị Xuân S. luôn đi khám thai định kỳ. Chị từng đến một phòng khám tư tại địa phương và thực hiện bốn lần siêu âm kiểm tra thai nhi. Bác sĩ khẳng định chị mang song thai nhưng không phát hiện được vùng ngực của các bé bị dính vào nhau.

Ngày 23/2, thấy chị S. có biểu hiện chuyển dạ, gia đình đưa đến bệnh viện Hạnh Phúc, An Giang. Tại đây, sau siêu âm kiểm tra các bác sĩ quyết định mổ bắt con, khi ổ bụng của người mẹ được mở ra, bác sĩ đưa tay đỡ bé thứ nhất thì bé thứ hai cũng dính theo. Sự việc không chỉ khiến các bác sĩ hoảng hốt mà còn gây cú sốc lớn đối với gia đình.  

Vân Sơn