Kịch tính “căng não” trong ca tách cặp song sinh dính ngực

(Dân trí) - Cắt xong xương ức tại điểm tiếp giáp, lồng ngực được mở ra, các bác sĩ tá hỏa khi phát hiện một mạch máu lớn “bắc cầu” qua hai quả tim đang đập đều nhịp. Tình huống nguy hiểm không lường trước xảy ra trên bàn mổ, cuộc hội ý “căng não” bắt đầu.

Ngày 27/2 gian nan của các Thầy thuốc

Đúng vào ngày kỷ niệm ngành, các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 phải tự đặt mình vào thế khó khi bắt tay vào cuộc mổ cứu sinh mạng của hai bệnh nhi mới được 4 ngày tuổi. Y văn thế giới khuyến cáo với những trường hợp trẻ dính liền nhau nếu không có những tác động bất thường gây nguy hiểm cho một trong hai bé thì nên tách khi các bé đã cứng cáp, đủ sức để vượt qua phẫu thuật.

Gia đình, người thân hồi hộp chờ đợi tin từ phòng mổ hai bé
Gia đình, người thân hồi hộp chờ đợi tin từ phòng mổ hai bé

“Tiếp nhận hai bé gái vừa lọt lòng, chúng tôi gần như không còn lựa chọn khác bởi một trong hai bé không có hậu môn. Chỉ cần một chút chủ quan có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của cả hai. Nếu chậm trễ can thiệp phẫu thuật, bé không có hậu môn có nguy cơ bị ứ phân trong ruột, dẫn đến vỡ ruột gây nhiễm trùng ổ bụng. Mặt khác, bé thứ hai cũng bị dị dạng tiết niệu, thận ứ nước sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu để một trong hai nguy cơ xảy ra khi đó muốn phẫu thuật cũng không được bởi hai sinh mạng vẫn cùng một cơ thể.” BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc, trưởng ê-kíp phẫu thuật chia sẻ.

Sau nhiều lần hội chẩn và cân nhắc kỹ lưỡng, bệnh viện Nhi Đồng 1 đi đến thống nhất phải can thiệp sớm cho hai bé, mọi sự chậm trễ đều có thể phải trả giá. Sáng của ngày Thầy thuốc Việt Nam, ca phẫu thuật “bất đắc dĩ” diễn ra. Bệnh nhi nhỏ tuổi với cân nặng chỉ hơn 2kg mỗi bé đứng trước ngưỡng sinh tử. “Đây là ca tách song sinh nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn trong quá trình chuẩn bị trước khi các bé bước vào cuộc mổ. Một trong hai bé bị dị dạng đốt sống cổ khiến cổ của cháu ngắn lại bất thường, phải mất rất nhiều thời gian mới mở được khí quản cho bé, hai tiếng trôi qua khâu chuẩn bị mới hoàn tất”

Kịch tính cuộc mổ lên đỉnh điểm khi phát hiện mạch máu nối hai quả tim
Kịch tính cuộc mổ lên đỉnh điểm khi phát hiện mạch máu nối hai quả tim

Trước cuộc mổ, các bác sĩ lo ngại nhiều nguy cơ có thể xảy ra như: hai quả tim dính với nhau; lỗ khuyết xương ức quá rộng, tim bệnh nhi sau khi mở lồng ngực có thể lộ ra ngoài. Nếu cố gắng ép để khâu phủ quả tim thì các bé có nguy cơ giãn cơ tim, loạn nhịp dẫn tới tử vong. Làm thế nào để phần da trên lồng ngực của các bé đủ để che phủ vết mổ. Bệnh viện đã chuẩn bị miếng phủ nhân tạo với dự tính sẽ phủ lỗ hổng trên lồng ngực bệnh nhi.

Cuộc mổ “căng não”

Hơn 80 bác sĩ, nhân viện y tế thuộc 6 chuyên khoa của bệnh viện được huy động tổng lực phục vụ cho cuộc mổ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Lúc 10h25, BS Đào Trung Hiếu rạch đường dao đầu tiên, vùng da từng bước được cắt theo vị trí đã định sẵn. Sau khi cắt thành công xương ức dính liền giữa hai bé, lồng ngực dần mở ra. Các bác sĩ hồi hộp chờ đợi. Mọi người thở phào nhẹ nhõm khi mỗi bé đều có một quả tim riêng biệt, tim của bé này chỉ nằm một phần bên lồng ngực bé kia.

Cắt thành công mạch máu là giây phút quyết định của ca mổ 
Cắt thành công mạch máu là giây phút quyết định của ca mổ 

Nhưng cảm giác an toàn vừa nhen lên thì sự căng thẳng liền ập đến khi BS Trung Hiếu phát hiện giữa hai quả tim có một mạch máu lớn “bắc cầu” qua. “Tình huống mới không được ghi nhận trước khi mổ khiến cả ê-kiếp rất lo lắng. Nếu mạch máu nuôi một trong hai quả tim, dù nuôi bán phần hay toàn phần thì đều ảnh hưởng đến cả hai bé. Cơ tim nếu thiếu máu nuôi chẳng khác nào bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhi có thể tử vong ngay trên bàn mổ.” BS Trung Hiếu cho biết.

Các bác sĩ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, việc đóng vết mổ lại coi như cuộc phẫu thuật thất bại, mạch máu giữa hai quả tim bắt buộc phải cắt bỏ mới có thể tách hai bé ra được. Cuộc hội ý chớp nhoáng diễn ra ngay trong phòng mổ, các bác sĩ quyết định thử trước khi đưa ra phương án cuối cùng. Cây kẹp được đưa vào tạm ngăn dòng máu lưu thông giữa hai quả tim, tất cả hồi hộp chờ đợi. Một quả tim bị sẫm màu, sự căng thẳng bị đẩy lên đến cao độ. Lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Nhưng kiểm tra chỉ số trên các phương tiện theo dõi thì nhịp tim của bé gần như không thay đổi. Gần 30 phút chờ đợi, quyết định cuối cùng được đưa ra, mạch máu nối hai quả tim bị cắt đứt, các bé được tách thành công sau hai giờ “căng não”.

Hai bé được hồi sức tích cực trong sự theo dõi chặt chẽ của bệnh viện
Hai bé được hồi sức tích cực trong sự theo dõi chặt chẽ của bệnh viện

Bằng những kinh nghiệm của 4 lần phẫu thuật tách song sinh và nhiều lần khác được các chuyên gia hướng dẫn, BS Đào Trung Hiếu đã căng da, cơ vùng ngực che phủ được lỗ hổng sau mổ cho các bé. Kiểm tra kỹ lưỡng sau khi tách rời, ê kíp phẫu thuật phát hiện vùng âm hộ của bé thứ nhất có lỗ thông với hậu môn, lỗ tuy nhỏ nhưng có thể tạm thời giúp giải phóng chất thải trong cơ thể. Cuộc phẫu thuật tạo hậu môn tạm hoãn, các bé được đưa vào phòng hồi sức trong niềm vui vỡ òa của gia đình và các bác sĩ.

Bà Nguyễn Thị Phú (52 tuổi, bà nội của hai bé) xúc động: “Cứ nghĩ sẽ được đón hai đứa cháu đích tôn khỏe mạnh, không ngờ khi bác sĩ mổ bắt chúng ra đứa nọ lại dính lấy đứa kia. Nhờ các bác sĩ Nhi Đồng 1 tận tình cứu giúp hai cháu tôi đã được tách thành công. Mong cho chúng sớm khỏe mạnh để về với gia đình. Chúng tôi chân thành cảm ơn các bác sĩ!”.

Vân Sơn