Nhiều quan niệm sai lầm của cộng đồng về viêm gan siêu vi
(Dân trí) - Viêm gan siêu vi là căn bệnh nguy hiểm đang âm thầm hủy hoại sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, người dân đang thiếu kiến thức cơ bản nhất hoặc hiểu sai về căn bệnh này khiến việc phòng và điều trị gặp nhiều khó khăn.
Sau khi Dân trí đăng bài: “Viêm gan Siêu vi đang tàn phá sức khỏe cộng đồng” trên báo có nhiều ý kiến bình luận thể hiện những quan niệm chưa đúng về căn bệnh này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với những nhà chuyên môn, ghi nhận các phân tích cụ thể về bệnh.
Từ thực tế của việc phòng và điều trị bệnh, phân tích của GS Phạm Hoàng Phiệt, Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam chỉ ra, cộng động đang có những cách hiểu chưa đúng phổ biến nhất về căn bệnh viêm gan siêu vi sau đây:
Viêm gan siêu vi lây qua đường ăn uống, tiếp xúc trực tiếp: Viêm gan siêu vi (B và C) là bệnh lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con. Do đó, việc ăn uống, tiếp xúc trực tiếp không lây truyền bệnh. Trên lý thuyết bệnh chỉ có thể lây qua đường ăn uống, tiếp xúc (hôn môi) khi miệng của người bệnh và người lành đều có vết thương chảy máu, vi trùng gây bệnh theo dịch miệng, muỗng, đũa (ăn chung) truyền sang người lành, nhưng nguy cơ này rất khó xảy ra.
Viêm gan siêu vi là bệnh di truyền: Đây không phải bệnh di truyền. Như đã đề cập (ở trên) bệnh lây từ mẹ sang con nên khi người mẹ mắc bệnh thì nguy cơ con cũng có thể nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với những tiến bộ của y học, nguy cơ lây truyền đã được hạn chế tối đa nếu người mẹ tầm soát phát hiện bệnh trước khi mang thai và thực hiện những biện pháp dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.
Viêm gan B biến chứng sẽ chuyển sang viêm gan C: Viêm gan B và viêm gan C chỉ là khái niệm để chỉ hai căn bệnh gặp phải ở gan. Trước khi phát hiện viêm gan C, y học còn có khái niệm là viêm gan Úc Châu (khu vực bệnh lưu hành) để đơn giản hóa thuật ngữ các nhà nghiên cứu thông nhất đặt tên là viêm gan B. Sau đó, khoa học tiếp tục phát hiện thêm một loại vi rút khác cũng gây bệnh ở gan nên đặt tên gọi khác là viêm gan C. Một người bệnh có thể cùng mắc cả viêm gan B và viêm gan C nhưng hai loại này không chuyển hóa từ B sang C hoặc ngược lại, do đó phác đồ điều trị của mỗi loại cũng sẽ khác nhau.
Không nên chích ngừa vắc xin viêm gan: Hiên, bệnh viêm gan siêu vi C chưa có vắc xin chủng ngừa nhưng viêm gan siêu vi B đã có vắc xin chủng ngừa. Tuy nhiên, trên thế giới và tại Việt Nam đang xuất hiện trào lưu Anti vaccin (chống tiêm vắc xin). Vắc xin sẽ tạo hàng rào bảo vệ, nâng cao sức đề kháng của cơ thể trước sự tấn công của bệnh. Nếu không chủng ngừa, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao trong cộng đồng.
Ở góc độ chuyên môn trong điều trị, BS Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM cho rằng:
Cộng đồng chưa ý thức được nguy cơ của từng loại bệnh: Nguy cơ lây truyền qua đường máu giữa B và C là tương đương nhau (khoảng 90%). Tuy nhiên, nguy cơ lây qua đường tình dục và lây từ mẹ sang con ở mức khác nhau (viêm gan B lây từ mẹ sang con khoảng 45% đến 50%; quan hệ tình dục 20%; viêm gan C lây qua đường tình dục và từ mẹ sang con dưới 10%).
Do nguy cơ cao trong lây truyền từ mẹ sang con nên nhóm trẻ từ 0 tuổi đến 18 tuổi dễ mắc viêm gan siêu vi B, song cơ thể không đủ sức đề kháng bệnh nên khoảng 90% trẻ mắc bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính. Nếu mắc bệnh trên 18 tuổi thì khả năng cơ thể tự đào thải viêm gan siêu vi B đạt trên 90%. Nguy cơ lây nhiễm của viêm gan C ở mọi lứa tuổi là như nhau, khả năng cơ thể đào thải được vi rút gây bệnh của cơ thể chỉ đạt 30% đến 35%, số còn lại chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Mặt khác, viêm gan B có thể diễn tiến tới ung thư gan khi chưa tiến triển sang giai đoạn xơ gan còn viêm gan C thường bị xơ gan sau đó mới chuyển sang giai đoạn ung thư.
Cộng đồng không hiểu sự tác động của các chất kích thích lên bệnh: Viêm gan có 2 thể, một là thể không hoạt động (ngủ yên) hai là thể hoạt động. Các yếu tố kích thích như sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, thức khuya, béo phì... sẽ làm thể đang ngủ yên thức dậy chuyển sang thể hoạt động, thể đang hoạt động thì hoạt động mạnh lên dẫn tới bệnh diễn tiến nhanh, nguy hiểm hơn.
Vân Sơn (lược ghi)