1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều người trẻ đột ngột suy thận phải lọc máu sau dấu hiệu mệt mỏi mơ hồ

(Dân trí) - Một sinh viên sau buổi đi học về bỗng dưng sốt; mệt mỏi mơ hồ, chán ăn; hay sau trận đá bóng với bạn bè người cứ mệt lả... họ đến viện khám, bàng hoàng phát hiện suy thận độ 3 phải chạy thận định kỳ.

Đang ở lứa tuổi "bẻ gãy sừng trâu", nhưng nhiều người trẻ mỗi tuần phải đến viện 3 lần lọc máu vì suy thận nặng.

TS Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tại khoa, ngoài những bệnh nhân trung niên, không ít người trẻ cuộc sống phải gắn liền với bệnh viện, tuần chạy thận 3 lần do bị suy thận mạn tính.

Nhiều người trẻ đột ngột suy thận phải lọc máu sau dấu hiệu mệt mỏi mơ hồ - 1

TS Nguyễn Thế Cường khám cho một bệnh nhân suy thận mạn tính.

Đa phần bệnh nhân trẻ được phát hiện suy thận rất tình cờ. Họ ở lứa tuổi trẻ, không có những dấu hiệu điển hình, đôi khi chỉ là những dấu hiệu mệt mỏi mơ hồ, ăn không ngon miệng; sau trận đá bóng với bạn cứ mệt lả mãi không hồi phục; chân có dấu hiệu phù nhẹ...

Như trường hợp của một bệnh nhân nữ rất trẻ, 19 tuổi được phát hiện suy thận mạn từ năm 18. Trong thời gian đi học, bệnh nhân khoẻ mạnh, bình thường. Chỉ đến khi sau một cơn sốt, kèm theo hiện tượng phù nề chân, tay, rồi không đi tiểu được. Gia đình vội đưa em tới viện khám, nghĩ cũng chắc bệnh cúm sốt thông thường. Em và gia đình đã rất sốc khi bác sĩ thông báo em phải chạy thận nhân tạo tuần 3 lần vì đã suy thận giai đoạn 3.

Từ chỗ tung tăng đến trường, cuộc sống của cô gái trẻ bắt đầu gắn liền với bệnh viện. Bất kể có việc gì, cô đều phải ưu tiên cho lịch chạy thận được sếp cố định mỗi tuần. "Không ưu tiên thì đến kỳ chạy thận không được chạy, em cũng không thể chịu đựng được sự mệt mỏi, vô niệu...", cô gái trẻ tâm sự.

Một chàng trai trẻ khác cũng không có dấu hiệu gì điển hình, chỉ là hay mệt sau khi đi chơi thể thao nên đi khám. Đến khi bác sĩ trả kết quả, yêu cầu nhập viện chạy thận vì suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân còn tưởng bác sĩ nhầm.

Theo TS Cường, phần lớn bệnh nhân trẻ suy thận đang phải lọc máu đều phát hiện bệnh một cách tình cờ. Sau một buổi chơi thể thao, một ngày đi học về, họ bỗng thấy mệt mỏi, uể oải, bị sốt, phù nề… và khi đến viện khám, rất nhiều người trong số đó đã bị suy thận giai đoạn cuối, buộc phải lọc máu để duy trì sự sống".

Đừng chủ quan với bệnh thận

TS Cường cho biết, suy thận mãn rất nguy hiểm bởi không có gì thay thế được chức năng thận, ở giai đoạn muộn người bệnh phải gắn với lọc máu suốt đời, hoặc phải tiến hành ghép thận.

Không riêng các bạn trẻ, mà phần lớn bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu đều là do tình cờ phát hiện, đã ở giai đoạn muộn. Người bệnh chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ đến khi có biểu hiện mệt mỏi, phù thũng, sốt… mới đi khám, thì hầu hết bệnh đã ở giai đoạn muộn. Khi đó, không có cách điều trị nào khác ngoài phải lọc máu đều đặn tại viện.

Theo TS Cường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn, trong đó các bệnh lý ở cầu thận chiếm 40% bệnh lý gây suy thận mạn bao gồm: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống,.... Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn; Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính; Bệnh thận bẩm sinh và di truyền (thận đa nang, loạn sản thận, hội chứng ALport); Bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì). Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian kéo dài hoặc một số thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.

Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toànsuy thận mạn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng. Người bệnh cần điều trị chế độ ăn, sinh hoạt: thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, cần điều trị các triệu chứng như: Tăng huyết áp, kiểm soát rối loạn lipid máu, điều trị thiếu máu, điều trị loãng xương, điều trị rối loạn điện giải.

Khi bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối cũng là lúc chức năng của thận dưới 15% chức năng thận bình thường, điều này có nghĩa là thận không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa của cơ thể. Lúc này cần phải tiến hành các biện pháp điều trị thay thế thận (lọc máu, ghép thận)

Khi phải lọc máu, chi phí tốn kém hơn rất nhiều so với điều trị bảo tồn (suy thận ở giai đoạn đầu 1, 2) và thường phải sau 5-10 năm mới phải chạy thận, vì thế, việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, bệnh suy thận lại diễn biến rất âm thầm, khó nhận biết. Khi đã có biểu hiện như ăn không ngon, mệt bất thường, đi tiểu nhiều, uống nhiều nước, tiểu khó, tiểu máu, tiểu đục, đau bụng, đau dọc theo vùng cột sống thắt lưng, cao huyết áp, phù nề hay bị chuột rút... thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn.

Vì thế, mục tiêu quan trọng là phát hiện bệnh sớm ở các đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, và gia đình có người bệnh thận. Các đối tượng này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm tránh bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối.

Ngoài ra, tất cả mọi người (kể cả những người trẻ) nên khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm cơ bản về huyết học, tiết niệu 6 tháng/lần để phát hiện bệnh.

 Để giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng, chăm sóc và điều trị các bệnh lý thận, ngày 29 tháng 02 năm 2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình  miễn phí “Sàng lọc, tư vấn và điều trị bệnh lý thận" tại phòng khám 14, tầng 2, nhà C2 BV Việt Đức.

Người dân tham gia sẽ được khám và tư vấn miễn phí cùng các chuyên gia hàng đầu về thận nhằm phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Đặc biệt, người dân sẽ được thực hiện miễn phí các chỉ định như: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm sinh hoá máu.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm