Nhiều người thường bỏ qua những dấu hiệu này của ung thư phổi
(Dân trí) - Ho kéo dài, thường xuyên bị viêm phổi, ho ra máu, khó thở, khàn tiếng... có thể là các triệu chứng điển hình của ung thư phổi.
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn cầu. Ước tính hơn 50% số người bị ung thư phổi không được chẩn đoán cho đến khi ung thư đã di căn khiến tỷ lệ sống sót thấp, chỉ 20,5%. Chẩn đoán sớm ung thư phổi chỉ chiếm 17% tổng số ca ung thư phổi.
Theo Verywell Health, nhiều người thường bỏ qua các triệu chứng điển hình của ung thư phổi vì chúng có thể giống như hậu quả của việc hút thuốc hoặc dấu hiệu của nhiễm trùng phổi. Các triệu chứng ban đầu của ung thư phổi bao gồm:
- Ho mãn tính kéo dài ít nhất 8 tuần.
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên và tái phát như viêm phế quản và viêm phổi.
- Ho ra máu hoặc chất nhầy có máu, dù chỉ với một lượng nhỏ.
- Khó thở và thở gấp.
- Giọng khàn.
- Đau ở ngực.
Có hai loại ung thư phổi chính: ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Khi đã xác định được loại ung thư phổi, các bác sĩ sẽ sử dụng các xét nghiệm hình ảnh và kết quả sinh thiết để xác định mức độ tiến triển của ung thư và nếu nó đã lan rộng.
Các khối u nằm trong phổi có thể được phát hiện thông qua các chụp chiếu như chụp X-quang ngực, chụp CT và chẩn đoán có thể được xác nhận thông qua sinh thiết. Các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh và có thể bao gồm hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hoặc kết hợp.
Ung thư phổi thường tiến triển nhanh, tùy thuộc vào loại ung thư phổi được chẩn đoán. Ung thư phổi tế bào nhỏ lây lan nhanh hơn so với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Trung bình, ung thư phổi tăng gấp đôi kích thước trong khoảng 4-5 tháng.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi
Theo BS Nguyễn Nhật Linh - Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các nhà khoa học đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể thường không thay đổi được. Ngược lại, có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh có liên quan đến yếu tố có thể thay đổi được.
Cụ thể bao gồm:
- Thuốc lá: hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi đã chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Ô nhiễm môi trường, chất thải từ động cơ, khói bụi, các chất phóng xạ…
- Các bệnh lý mãn tính có sẵn ở phổi: lao phổi, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản.