Nhiều người mù vì những bệnh lý đơn giản

(Dân trí) - Nhiều bệnh đơn giản dẫn đến mùa lòa có thể phòng tránh, tuy nhiên nhiều người dân vẫn để đến tình trạng mù hai mắt do chủ quan, do e ngại đi bệnh viện, sợ phẫu thuật…

Thông tin trên được PGS.TS Trần An, Phó Giám đốc Phụ trách BV Mắt Trung ương cho biết tại Hội thảo báo cáo kết quả điều tra quốc gia đánh giá nhanh các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh (RAAB) năm 2015 diễn ra ngày 3/11 do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới phối hợp tổ chức.

 

E ngại đến BV, ngại phẫu thuật, không tin tưởng chất lượng điều trị khiến nhiều người bệnh đến viện muộn, hiệu quả điều trị không đạt như mong muốn. Ảnh minh họa H.Hải
E ngại đến BV, ngại phẫu thuật, không tin tưởng chất lượng điều trị khiến nhiều người bệnh đến viện muộn, hiệu quả điều trị không đạt như mong muốn. Ảnh minh họa H.Hải

 

Kết quả điều tra về bệnh mù lòa có thể phòng tránh được thực hiện tại 14 tỉnh cho thấy, tỷ lệ mù lòa toàn quốc hiện nay gần 2%, giảm gần 2 lần so với giai đoạn 2000-2002. Tuy nhiên số lượng người trên 50 tuổi với thị lực kém 2 mắt tăng lên hơn 2.000 triệu so với 1.570 triệu vào năm 2007.

Theo điều tra này, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây thị lực kém cả 2 mắt của người dân, chiếm tỷ lệ 75%. Trong năm 2015, số lượng người mù 2 mắt do đục thủy tinh thể chỉ giảm nhẹ trong khi số người có thị lực cả 2 mắt kém do đục thủy tinh thể tăng lên gấp đôi.

Trong khi đó, đục thủy tinh thể có thể được xử lý, phòng ngừa sớm để người dân không bị mùa lòa. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người mù do đục thủy tinh thể là do chính người dân không đi phẫu thuật thể thủy tinh, do sợ kết quả phẫu thuật kém. Có đến ¼ số người đục thủy tinh thể được hỏi trả lời lý do vì sợ kết quả kém mà không đi phẫu thuật.

Tiếp đó, cũng có đến ¼ số bệnh nhân không có khả năng chi trả nên không đi phẫu thuật; 19% lấy lý do cảm thấy không cần thiết để trì hoãn việc đi khám chữa.

Thực tế tại một số địa phương tỷ lệ cải thiện thị lực sau phẫu thuật đạt tỷ lệ chưa cao. Như tại Bắc Ninh, tỷ lệ đạt kết quả tốt sau phẫu thuật đục thể thủy tinh chỉ đạt 41%, tiếp đến là Quảng Ngãi (72%). Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do tâm lý ngại phẫu thuật, thấy không cần thiết phải phẫu thuật nên người bệnh trì hoãn và khi đến viện thì đã ở giai đoạn rất muộn.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị tỷ lệ thị lực hồi phục tốt sau mổ phải đạt từ 80% trở lên.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 75% nguyên nhân gây mù 2 mắt ở người trên 50 tuổi của 14 tỉnh được điều tra có thể chữa được. Như vậy, 75% bệnh mắt dẫn đến mù của người dân là hoàn toàn có thể phòng tránh được, giúp cứu đôi mắt của rất nhiều người.

Để làm được điều này, việc nâng cao nhận thức của người dân với các bệnh lý về mắt là vô cùng quan trọng. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị để cải tiện tình trạng trên cần có các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh ở mắt gây mù, để người dân có hiểu biết chính thống về các bệnh lý này và có thể quyết định đi phẫu thuật sớm ở giai đoạn sớm, tỷ lệ thị lực hồi phục sẽ tốt hơn so với phẫu thuật muộn.

Theo Bộ Y tế, từ kết quả nghiên cứu này, cơ quan chức năng sẽ tìm giải pháp để hỗ trợ người dân, nâng cao tỷ lệ bệnh nhân đục thể thủy tinh được phẫu thuật, góp phần giảm hơn nữa tỷ lệ mù lòa ở nước ta.

Hồng Hải