1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều người chết vì thẩm mỹ “chui”: Sở Y tế TPHCM "vô can"?

(Dân trí) - Liên tiếp nhiều vụ tai biến thẩm mỹ dẫn đến nguy kịch, chết người vừa xảy ra tại TPHCM. Ngoài sự buông lỏng trách nhiệm của cơ quan quản lý, các chuyên gia nhận định sự thiếu hiểu biết đã khiến nạn nhân “tự gửi trứng cho ác”.

Người chết, tai biến “dồn dập” khi đi làm đẹp

Tháng 7/2017, ông Edward Hartley (53 tuổi, quốc tịch Mỹ) đến Viện phẫu Thuật thẩm mỹ Việt Thành (số 565 Sư Vạn Hạnh, phường 13, quận 10, TPHCM) làm đẹp bằng kỹ thuật hút mỡ bụng. Khi đang trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng trụy mạch. Dù được cơ sở cấp cứu và bệnh viện tuyến trên hỗ trợ, nhưng nạn nhân đã tử vong.

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế xác định, phòng khám Việt Thành thực hiện phẫu thuật cắt da thừa vùng bụng nằm ngoài danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt. Phòng khám không đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh.

Cơ sở Việt Thành nơi thực hiện kỹ thuật chui khiến bệnh nhân người Mỹ tử vong
Cơ sở Việt Thành nơi thực hiện kỹ thuật chui khiến bệnh nhân người Mỹ tử vong

Trước cái chết của người đàn ông Mỹ, tháng 5/2017 một cô gái trẻ cũng vĩnh viễn ra đi vì biến chứng khi đi nâng ngực. Nạn nhân là S.B.T. (22 tuổi, ngụ tại Cà Mau) đã được BS Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, TPHCM thực hiện phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện Vạn Hạnh.

Sau phẫu thuật khoảng 10 ngày, bầu ngực bệnh nhân bị chảy dịch với những biểu hiện bị sốc nhiễm trùng. Dù đã được chuyển đến bệnh viện tuyến trên cấp cứu nhưng cô gái trẻ không qua được nguy kịch.

Sau khi vụ việc xảy ra, báo Dân trí đã phản ánh thông tin BS Tấn Hùng có chuyên khoa Răng Hàm Mặt (vùng đầu mặt) nhưng thực hiện kỹ thuật nâng ngực và phẫu thuật khi cô gái trẻ đang mang thai. Thông tin trên đã được kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế (ngày 29/8) xác nhận, khi nâng ngực cô gái đã mang thai 17 tuần tuổi.

Hội đồng chuyên môn cho rằng nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là do bùng phát cấp tính của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống tiền ẩm trên bệnh nhân có thai 17 tuần không đáp ứng điều trị. Điều này có nghĩa yếu tố góp phần thúc đẩy đợt bùng phát cấp tính của bệnh Lupus đỏ hệ thống là do có thai, phẫu thuật, sử dụng kháng sinh.

Tuy nhiên, trách nhiệm của BS Hùng trong việc phẫu thuật khi bệnh nhân đang mang thai và việc phẫu thuật nâng ngực có nằm ngoài phạm vi chuyên môn của vị bác sĩ này hay không thì không thấy thể hiện trong kết luận của Hội đồng chuyên môn.

“Lỗi” cơ bản dẫn đến cái chết của cô gái trẻ được những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực thẩm mỹ tại TPHCM tham gia trong Hội đồng chuyên môn cho rằng, cô gái từng nói không có thai nên bác sĩ mới phẫu thuật?

Cô gái trẻ đang mang thai được bác sĩ nâng ngực đã vĩnh viễn ra đi (hình facebook nạn nhân)
Cô gái trẻ đang mang thai "được" bác sĩ nâng ngực đã vĩnh viễn ra đi (hình facebook nạn nhân)

Mới đây nhất, một nạn nhân khác của phẫu thuật thẩm mỹ là chị Trương Thị Đ (38 tuổi, ngụ tại TPHCM) đã rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi thực hiện phẫu thuật gọt 2 cằm tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas (quận 10, TPHCM). Sau cuộc phẫu thuật (ngày 17/9) bệnh nhân bị chảy máu trong khoang miệng, rơi vào hôn mê được chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu. Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa nhưng chưa thể nói trước chuyện gì sẽ xảy đến với người bệnh.

Quản lý lỏng lẻo, tạo điều kiện cho cơ sở thẩm mỹ “ma”?

Nhu cầu làm đẹp của cộng đồng ngày càng nhiều nên chuyên khoa thẩm mỹ đang được xem là nghề “hái ra tiền”. Từ thực tế này, các cơ sở thẩm mỹ đã mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế đã tạo điều kiện cho các cơ sở thẩm mỹ không phép ngang nhiên hoạt động hoặc các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép nhưng vô tư thực hiện những kỹ thuật vượt quá phạm vi chuyên môn.

Sau các vụ tai biến, chết người do phẫu thuật thẩm mỹ, ngày 17/8 Sở Y tế thành phố đã phát đi thông tin kêu gọi cộng đồng tăng cường tố giác cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng hướng dẫn tra cứu thông tin giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề của cơ sở y tế cũng như bác sĩ trên cổng thông tin điện tử.

Đáp lại kêu gọi, báo Dân trí đã vào cuộc cùng Sở Y tế. Tuy nhiên thực tế diễn ra không như nội dung Sở Y tế thành phố “loan tin”. Trong quá trình thâm nhập thực tế, điều tra, phóng viên Dân trí đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ, hợp tác từ Sở Y tế nhưng không được đáp ứng.

Ngày 26/8 Báo Dân trí đăng bài viết “Nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui?” phản ánh thực trạng “mất kiểm soát” trong việc quản lý và các chiêu trò “lách luật” đang được các cơ sở thẩm mỹ “ma” tiến hành để dụ dỗ những người có nhu cầu làm đẹp.

Sau hơn 1 tháng phản ánh thông tin đến bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, phóng viên Dân trí nhiều lần liên lạc nhưng không nhận được hồi âm
Sau hơn 1 tháng phản ánh thông tin đến bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, phóng viên Dân trí nhiều lần liên lạc nhưng không nhận được hồi âm

Sau khi bài viết, đại diện báo Dân trí tại tiếp tục liên hệ với Sở Y tế, cụ thể là bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế để chủ động cung cấp thông tin, đề nghị Sở Y tế TPHCM vào cuộc, sớm xác minh, xử lý nghiêm những đơn vị có liên quan (nếu có sai phạm).

Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng trôi qua những nỗ lực của báo Dân trí trong việc phản ánh các thông tin về tình trạng bát nháo trong lĩnh vực thẩm mỹ đến Sở Y tế, vẫn chìm trong im lặng. Đến nay, Dân trí chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào từ Sở Y tế TPHCM ngoài những lời hứa suông: “Đang cố gắng; sẽ kiểm tra; đã chuyển phản ánh đến các phòng ban; chờ cho ít ngày nữa; lãnh đạo đang đi công tác; tuần sau sẽ trả lời...”

Để xảy ra những tai họa dẫn đến chết người khi nạn nhân đi làm đẹp trúng cơ sở thẩm mỹ chui hoặc bác sĩ phẫu thuật vượt phạm vi chuyên môn được cấp phép, đơn vị trực tiếp quản lý các vấn đề trên là Sở Y tế TPHCM không thể không có trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ cá nhân hoặc đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm hoặc bị xử lý kỷ luật sau những vụ việc nêu trên.

Dư luận đang đặt ra nhiều hoài nghi: Phải chăng có sự móc nối, bao che, bảo kê từ phía cơ quan quản lý nhà nước với nhưng cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép, trái phép? Sở Y tế TPHCM cố tình chây ì trước nhiều phản ánh về các vấn đề tiêu cực đang xảy ra hay năng lực quản lý của những đơn vị cá nhân có liên quan quá yếu kém? Những bê bối trong công tác quản lý nhà nước tại Sở Y tế liệu UBND TPHCM, Bộ Y tế có nắm được hay cũng đồng tình “ngó lơ”?

Vân Sơn