TPHCM: Nhiều thẩm mỹ viện đang hoạt động chui?
(Dân trí) - Dân trí Dù không có chức năng phẫu thuật nhưng nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn vô tư nhận khách để ăn "chênh lệch". Trên website của Sở Y tế, nhiều thẩm mỹ viện dù hoạt động khá lâu nhưng vẫn chưa thể tra thông tin giấy phép.
Mập mờ pháp lý
Để thu hút khách hàng, nhiều cơ sở làm đẹp dù chưa đủ chức năng và pháp lý nhưng vẫn vô tư nhận hợp đồng để ăn chênh lệch. Các làm thông thường của các cơ sở trên là liên kết với một số bác sĩ, thẩm mỹ viện để rồi mỗi khi có hợp đồng sẽ đẩy qua "nơi thứ 3" để làm.
"Bên em chỉ là trung tâm chăm sóc sắc đẹp nên không làm được phẫu thuật tại trung tâm. Nhưng anh yên tâm, bên em đã liên kết với các bác sĩ của các bệnh viện và thẩm mỹ viện lớn. Sau khi anh làm hợp đồng bên em sẽ tìm các bác sĩ phù hợp và bệnh viện phù hợp để phẫu thuật cho anh", một cơ sở thẩm mỹ trên đường 3/2 cho biết.
Khi PV muốn được coi giấy phép hoạt động cũng như các giấy tờ hợp lệ của cơ sở thẩm mỹ trên thì nhân viên cho biết: "Giấy phép tụi em chỉ lưu hành nội bộ thôi anh ạ, không cho người ngoài xem. Nếu anh ký hợp đồng rồi em sẽ nói bác sĩ cho anh coi qua để anh yên tâm. Bên em trước giờ làm ăn uy tín mà".
Các cơ sở thẩm mỹ luôn là sân sau của các bác sĩ tại các bệnh viện
Liên hệ với 3 cơ sở thẩm mỹ tại quận 1 (TPHCM), cả 3 cơ sở trên đều xác nhận có thể tư vấn phẫu thuật và báo giá qua hình ảnh. Tuy nhiên, để thực hiện phẫu thuật cả 3 cơ sở trên đều phải liên kết với các bệnh viện để làm chứ không thể làm tại chỗ. Mỗi cơ sở sẽ có "hệ thống" bác sĩ riêng và tuỳ theo mong muốn của người dân để giới thiệu.
Đặc biệt, khi khách hàng muốn xem qua giấy phép hoạt động thẩm mỹ thì các cơ sở trên đều từ chối khéo. "Tụi em không cho coi giấy phép được anh ơi, nếu anh làm hợp đồng xong thì khi làm phẫu thuật bác sĩ sẽ cho anh coi qua thôi", nhân viên tại TMV trên đường Trần Quang Khải (quận 1) chia sẻ.
"Thông thường, mỗi thẩm mỹ viện đều liên kết với một vài bác sĩ phẫu thuật trong các bệnh viện lớn. Khi có khách hàng cần phẫu thuật làm đẹp thì các thẩm mỹ viện sẽ ký hợp đồng với khách sau đó liên hệ với các bác sĩ để "bán show". Như vậy, các thẩm mỹ viện vừa giữ được uy tín vừa có thể tăng thêm thu nhập", bà T. chủ TMV TT trên đường Trường Chinh (Tân Bình) chia sẻ.
Cũng theo bà T. hiện nay khá nhiều cơ sở thẩm mỹ đang hoạt động không đủ giấy phép tại khu vực đường CMT8, đường 3/2. "Tôi ở trong nghề nên tôi không thể nói cụ thể thẩm mỹ viện nào đang hoạt động sai phép dù tôi biết rất rõ. Nhưng tôi có thể chỉ cho anh ở khu vực đường CMN8 và đường 3/2 khá nhiều cơ sở đang hoạt động "chui". Các cơ sở trên chủ yếu nằm ở trong các hẻm sâu để tránh cơ quan chức năng kiểm tra. Tôi mong sao các cơ quan chức năng vào cuộc nhiều hơn nữa để thanh lọc những cơ sở trái phép nhằm mang lại sự an toàn cho người đi làm đẹp", bà T. nhấn mạnh.
Sau khi yêu cầu xem giấy phép của các cơ sở thẩm mỹ bất thành, PV đã truy cập vào website kiểm tra thông tin của Sở Y tế TPHCM để kiểm tra. Tuy vậy, gần 10 cơ sở PV kiểm tra đều không thể tìm thấy thông tin.
Mất mạng vì làm đẹp
Mấy năm trở lại đây, tỉ lệ người bị tai nạn khi phẫu thuật thẩm mỹ ngày tăng cao. Theo thống kê mỗi năm có hàng trăm người trở thành nạn nhân khi phẫu thuật thẩm mỹ tại những cơ sở mập mờ về pháp lý. Nhiều cơ sở thẩm mỹ, bác sĩ vì muốn tăng thu nhập nên nhận phẫu thuật "vô tội vạ" rồi để lại hậu quả cho người sử dụng.
Ngày 19/7 vừa qua, một Việt Kiểu đã tử vong khi đến cơ sở thẩm mỹ V.T (quận 10) để tiến hành phẫu thuật cắt da dư vùng hông lưng. Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế cho biết cơ sở thẩm mỹ V.T thực hiện phẫu thuật cắt da thừa vùng bụng nằm ngoài danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt.
Một ca tử vong gây xôn xao dư luận liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ thời gian gần đây là sản phụ Q.A (22 tuổi). Dù đang mang thai 16 tuần tuổi nhưng bác sĩ Lê Tấn Hùng - BV Răng Hàm Mặt TPHCM vẫn tiến hành nâng ngực cho chị Q.A. Sau 10 ngày, thai phụ trẻ có dấu hiệu sốc nhiễm trùng - hậu phẫu đặt túi ngực, dẫn tới tử vong. Qua kiểm tra, vị bác sĩ thực hiện nâng ngực cho thai phụ này có dấu hiệu vượt chuyên môn cho phép.
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay TPHCM có 150 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ (tính đến ngày 30/6/2017). Thành lập bệnh viện thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, còn phòng khám chuyên khoa sẽ do Sở y tế cấp giấy phép hoạt động. Đối với phòng khám đa khoa hay chuyên khoa có yếu tố nước ngoài, thì việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng hoạt động trong phòng khám là cũng do Bộ Y tế cấp phép.
Để ngăn chặn tình trạng các thẩm mỹ viện làm "chui", Sở Y tế TPHCM đã thường xuyên kiểm tra và xử lý mỗi khi có thông báo từ người dân. Vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM lập biên bản cơ sở Thẩm mỹ viện không phép tại địa chỉ số 694/5 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận. Thời điểm ngành chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở thẩm mỹ không có biển hiệu, không xuất trình bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Đặc biệt, tại phòng ở lầu 1, nhân viên TMV trên đã dọn sẵn các dụng cụ trang thiết bị y tế, chuẩn bị thực hiện thủ thuật nâng mũi cho khách.
"Số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế TPHCM là 0967771010 hoạt động 24/24 để người dân có phát hiện hoặc nghi ngờ phòng khám, bệnh viện nào có thể cung cấp thông tin. Ngoài ra, các quận huyện cũng có đường dây nóng. Khi có tin báo, thanh tra Sở sẽ tiến hành thanh kiểm tra đột xuất. Rất nhiều nơi vi phạm đã bị phát hiện cũng nhờ những đầu mối từ người dân thời gian qua”, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết thêm.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn