Nhiều người chết trẻ vì mưu sinh bằng... miệng

Nhiều năm qua, ở thôn nghèo Mỹ Hạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đã có rất nhiều người chết trẻ bởi phải dùng miệng mình để nhọc nhằn mưu sinh, kiếm sống bằng nghề bốc chì bỏ vào miệng rồi dùng răng gắn chì vào lưới.

Người chết thì đã hết kiếp vất vả nhưng người sống cũng chẳng vui vẻ gì. Nhiều chị em ở đây bởi cái nghề kỳ dị chẳng nơi đâu có này mà trở nên xấu xí đến độ quá tuổi xuân thì cũng chẳng kiếm nổi một tấm chồng.

 

Tay làm, hàm nhai và liên tục nhập viện

 

Người dân thôn Mỹ Hạnh kiếm sống bằng nghề bốc chì bỏ vào miệng rồi dùng răng gắn chì vào lưới. Cái nghề nguy hiểm bậc nhất này đã khiến hàng trăm người dân từ già đến trẻ trong làng bị ngộ độc, rụng răng, nát dạ dày và mắc bệnh ung thư do tác hại của chì.

 

Chúng tôi tìm về thôn Mỹ Thạnh sau khi nghe tin 2 người con trai của ông Phan Cường (58 tuổi) bị ngộ độc chì.

 

Người dân Mỹ Thạnh mưu sinh bằng nghề độc

Người dân Mỹ Thạnh mưu sinh bằng nghề độc

 

“Hai đứa đang dùng miệng gắn chì vào lưới thì bất ngờ bị đau bụng, nôn mửa dữ dội và lên cơn co giật. Sau một tuần được bác sỹ tận tình cứu chữa, chúng đã qua cơn nguy kịch, vợ tui đang chăm sóc chúng tại bệnh viện”, giọng ông Cường méo mó và ngắt quãng bởi miệng ông đang ngậm một lượng lớn chì để gắn vào lưới.

 

Đây không phải là lần đầu tiên 2 người con trai của ông Cường phải nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc chì. Ông Cường không nhớ nổi 2 người con đã bị ngộ độc chì mấy lần, chỉ biết nhiều lúc cứ dăm bảy bữa là chúng phải nhập viện vì bị đau bụng, nôn mửa và co giật. Ngay cả ông và vợ, bà Nguyễn Thị Vân, cũng đã không dưới 20 lần bị ngộ độc chì phải nhập viện.

 

“Không chỉ gia đình tui mà trong thôn ni cứ dăm ngày trong thôn lại có người phải nhập viện vì chì, chuyện xảy ra thường xuyên nên thành quen”, ông Cường cho biết thêm.

 

Cạnh đó, mặc dù nghề dùng miệng gắn chì vào lưới đã khiến sức khỏe suy kiệt nhưng 3 người trong gia đình anh Phan Sỹ vẫn phải tiếp tục bám nghề.

 

Mỗi ngày vợ chồng anh Sỹ và đứa con trai dùng miệng ngậm dăm kg chì để gắn vào lưới. Việc mươi mảnh chì rơi xuống dạ dày mỗi người hàng ngày là chuyện bình thường.

 

Ngoài việc phải thường xuyên nhập viện cấp cứu vì ngộ độc chì, 3 người của gia đình anh Sỹ còn bị loét dạ dày nghiêm trọng.

 

 

Hàm răng của ông Phan Cường tan nát vì làm nghề cắn chì

Hàm răng của ông Phan Cường tan nát vì làm nghề cắn chì

 

“Dạ dày tụi tui chừ hàng ngày đau như bị dao cứa. Đi khám bác sỹ bảo phải ngừng làm nghề cắn chì ngay nếu muốn sống thêm vài năm nữa, nhưng không làm thì lấy chi mà ăn”, anh Sỹ buồn nói.

 

Người dân thôn Mỹ Thạnh không biết nghề dùng miệng gắn chì vào lưới mà họ gọi là “cắn chì” đầy hiểm họa ở thôn có từ bao giờ.

 

Họ chỉ biết hầu hết người dân trong thôn đều biết làm nghề này từ khi 9-10 tuổi để kiếm cơm. Công việc cắn chì khá đơn giản, bốc từng nạm chì đã được cắt nhỏ bỏ vào miệng rồi dùng răng gắn từng miếng chì vào lưới.

 

Nghề cắn chì ở đây nổi tiếng nên rất nhiều ngư dân trong tỉnh mang ngư lưới cụ đến thuê gắn chì. Mỗi ngày, một lao động cắn chì có thu nhập từ 40-60 nghìn đồng.

 

Sinh nghề tử nghiệp và bỏ xứ mà đi

 

Tác hại của nghề cắn chì khiến Mỹ Thạnh là thôn có số người mắc và chết vì bệnh ung thư nhiều nhất tỉnh Thừa Thiên- Huế.

 

Vừa đến đầu thôn, chúng tôi đã thấy hàng chục người gầy rạc, già có trẻ có, bước dật dờ trên con đường thôn nham nhở ổ voi ổ gà. “Họ là những người bị ung thư giai đoạn cuối, vì đau đớn quá nên ra đường đi như điên dại rứa đó”, anh Nguyễn Quý, một người dân ở đây cho hay.

 

Sau một hồi bấm đốt ngón tay nhẩm tính, anh Quý nói trong thôn đã có gần 40 người chết vì bệnh ung thư do làm nghề cắn chì, chưa kể hàng chục người khác đang mắc bệnh.

 

Mỗi ngày vợ chồng anh Sỹ và đứa con trai dùng miệng ngậm dăm kg chì để gắn vào lưới

Mỗi ngày vợ chồng anh Sỹ và đứa con trai dùng miệng ngậm dăm kg chì để gắn vào lưới

 

Chị Lê Thị Hà, vợ anh Quý, cũng kể trong lo lắng: “Nhiều năm rồi người dân trong thôn ai cũng sợ đến mất ăn mất ngủ vì lo không biết khi nào đến phiên mình phát bệnh. Từ đầu đến cuối thôn giờ toàn âm khí, trông mà rợn người”.

 

Sau khi có người thân làm nghề cắn chì qua đời vì bệnh ung thư, một số gia đình ở thôn Mỹ Thạnh vì quá sợ hãi nên đã bỏ nghề và bỏ lại nhà cửa để đi nơi khác sinh sống.

 

Những ngôi nhà bỏ hoang được người dân nơi đây quen gọi là “nhà ma” và chẳng mấy ai dám bén mảng tới gần. Nửa năm nay, ngôi nhà của ông Nguyễn Chuẩn luôn khóa cửa im ỉm, không một bóng người vào ra khiến cỏ mọc ngổn ngang vào tận thềm.

 

Ông Chuẩn và vợ mình đã qua đời vì bệnh ung thư khi tuổi còn trẻ sau một thời gian dài làm nghề cắn chì. Sau ngày bố và mẹ qua đời, 5 người con của ông Chuẩn vì quá sợ hãi nên đã phải bỏ làng đi phiêu bạt.

 

Nằm cạnh nhà ông Chuẩn, ngôi nhà của gia đình ông Hoặc, người từng làm nghề cắn chì, cũng đã bỏ hoang từ lâu sau khi ông Hoặc bị bệnh ung thư tước mạng sống.

 

Ở những ngôi nhà bỏ hoang này, vào những đêm tối trời, người ta lại thấy xuất hiện những đàn qụa bay về đậu trên nóc nhà và kêu lên những tiếng thảm thiết, ai oán.

 

Theo kinh nghiệm của người dân Mỹ Thạnh, tiếng quạ là điềm gở báo hiệu trong thôn có thêm người mắc hoặc chết vì ung thư do nghề cắn chì.

 

“Mỗi lần nghe tiếng quạ là các gia đình nào cũng thắp hương mong ông bà tổ tiên phù hộ để tai họa không giáng xuống gia đình mình. Nhưng càng cầu nguyện thì số người mắc và qua đời vì bệnh ung thư ngày càng tăng lên”, bà Nguyễn Thị Xíu, sống gần ngôi nhà hoang của gia đình ông Hoặc, kể trong sợ hãi.

 

Dù hàng loạt người đã và sắp bị tước mạng sống do rước bệnh ung thư từ nghề cắn chì nhưng phần lớn người dân Mỹ Thạnh vẫn phải bám nghề. Với họ, bệnh tật nào quan trọng bằng việc làm cho cái dạ dày no trước đã!.

 

Dân sợ cười, phụ nữ ế chồng vì “răng quỷ”

 

Anh Nguyễn Văn Hải làm nghề cắn chì từ năm 9 tuổi. Nay 45 tuổi, 2 hàm răng đã cắn hàng tấn chì của anh Hải đã bị bào mòn đến cụt ngủn và có màu đen sì. Đặc biệt, phần răng cửa chỉ còn lưa thưa vài cái vì đã bị gãy rụng hầu hết.

 

Anh Hải trò chuyện với chúng tôi bằng giọng biến dạng. Chị Bùi Thị Thủy, vợ anh, hàm răng xấu xí hơn cả chồng nhưng có vẻ tự nhiên hơn.

 

“Dân cắn chì chúng tôi hàm răng của ai cũng bị gãy rụng, xộc xệch và đen sì. Vì rứa mà nói năng với khách hầu như ai cũng mím miệng”, chị Thủy giải thích.
 

 

Mỗi ngày vợ chồng anh Sỹ và đứa con trai dùng miệng ngậm dăm kg chì để gắn vào lưới


 Nhiều người ban đầu đến làng Mỹ Thạnh thường đánh giá rằng người dân nơi đây nghèo tình cảm bởi họ rất hiếm khi cười với khách. Tìm hiểu kỹ mới biết không phải người dân không mến khách mà do hàm răng của họ bị gãy rụng, xộc xệch hoặc đen đúa nên họ thường sợ… cười.

 

“Người địa phương khác chỉ cần nhìn thấy chúng tôi cười là ngay lập tức biết chúng tôi là dân Mỹ Thạnh. Ở Huế có câu cửa miệng “Đẹp như gái Kim Long, xấu như gái Mỹ Thạnh” là do hàm răng của phụ nữ ở thôn quá xấu”, chị Nguyễn Thị Lan kể.

 

Cũng theo chị Lan, hàm răng tan nát vì cắn chì khiến không ít cô gái trong thôn lận đường tình duyên.

 

Chị Lê Thị Ch. (29 tuổi), người theo nghề cắn chì từ năm 8 tuổi, đến nay vẫn chưa lấy được chồng. Mặc dù sở hữu khuôn mặt khả ái, nhưng hàm răng của chị Ch. lại bị bào mòn đến cụt ngủn và có màu đen sì.

 

Cách đây 2 năm, chị Ch. yêu một thanh niên tên Huân ở xã Hương Phong, huyện Hương Trà. Khi hai người chuẩn bị tính chuyện hôn nhân thì đường ai nấy đi.

 

Nguyên nhân là bởi khi về ra mắt gia đình chồng tương lai, bố mẹ chàng trai thấy hàm răng của chị Ch. “xấu như quỷ” nên không đồng ý lấy chị làm dâu.

 

Chị Trần Thị M.(27 tuổi) cũng ế chồng vì hàm răng cửa bị rụng hầu hết. Chị M. từng khắc phục khiếm khuyết của mình bằng cách trồng răng giả, nhưng do việc dùng răng này để cắn chì thì đau không chịu nổi nên chị chỉ mang răng giả khi đi ra ngoài.

 

Cách đây 4 năm, chị M. được một chàng trai tên Lập ở xã Quảng Thái tìm hiểu. Những lúc gặp Lập, chị M. đều mang răng giả nên chàng trai này không hề biết chị M. bị rụng nhiều cái răng.

 

Sau khoảng một tháng yêu nhau thắm thiết, một hôm nhân dịp chở mẹ đi qua Quảng Lợi, Lập bất ngờ dẫn mẹ vào xem mặt chị M. Lúc này mẹ con Lập đến, vì lúng túng nên chị M. không hề biết rằng mình đang nói chuyện với khách bằng hàm răng “thật” có nhiều cái bị gãy rụng. Chứng kiến hàm răng xấu xí của chị M. mẹ con Lập từ đó một đi không trở lại…

 

Ông Nguyễn Tường, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: Trước tình trạng người dân thôn Mỹ Thạnh bị ngộ độc, ung thư, hàm răng bị tàn phá do làm nghề cắn chì gia tăng, ngành chức năng đã trang bị máy móc cho những người làm nghề này nhưng rồi phá sản. Nguyên nhân là do việc gắn chì bằng máy năng suất thấp, không chắc chắn bằng gắn bằng miệng nên người dân mất khách…

 

Theo Kiến thức/Gia đình và Cuộc sống