Nhiều người bỗng nhiên phải cắt lưỡi vì ung thư
(Dân trí) - Ung thư lưỡi là loại thường gặp nhất trong ung thư hốc miệng có tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Bệnh nhân mắc ung thư này thường phải thực hiện phẫu thuật cắt vùng lưỡi bị bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát âm, vị giác và nuốt thức ăn.
Nam bệnh nhân T.V.Ng. (54 tuổi, ngụ tại TPHCM) đột nhiên xuất hiện khối bất thường trên lưỡi gây đau, nuốt vướng sau đó vết thương tạo thành mảng trắng gây lở loét, chảy máu. Tại Bệnh viện Ung Bướu, sau thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhân bị ung thư lưỡi dạng bướu nguyên phát, có kích thước khoảng 4cm. Bướu đã xâm lấn các cấu trúc lân cận, như vỏ xương, nhóm cơ sâu của lưỡi, xoang hàm, da mặt.
Một trường hợp khác là ông N.T.B. (62 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) vào viện trong tình trạng cứng hàm, cứng lưỡi, nuốt khó, một mảng đỏ xuất hiện trên lưỡi gây xuất huyết. Ngoài ra bệnh nhân còn bị đau nhức lỗ tai, rờ thấy cục hạch nhỏ ở bên cổ. Kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ung thư lưỡi xâm lấn cơ nhai, xương bướm, di căn đến hạch cổ hai bên.
Cả 2 trường hợp trên đều buộc phải thực hiện phẫu thuật cắt vùng lưỡi bị ung thư và tiến hành nạo hạch di căn. Sau phẫu thuật bệnh nhân được thực hiện phương pháp tái tạo phần lưỡi bị cắt và thực hiện xạ trị tiêu diệt ung thư.
Việc phẫu thuật khiến người bệnh mất đi một phần lưỡi, dù bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình nhưng vẫn để lại sẹo co rút, hạn chế khả năng nuốt thức ăn, làm sạch khoang miệng đặc biệt là khả năng cảm nhận vị giác. Sau điều trị khả năng phát âm của người bệnh cũng bị ảnh hưởng, âm phát ra bị ngọng, không tròn tiếng gây khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin cho người nghe.
BS Bùi Xuân Trường, Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM cho hay: Ung thư lưỡi là loại ung thư thường gặp nhất của hốc miệng, bệnh có tỷ lệ di căn hạch cao. Việc phẫu thuật đóng vai trò then chốt trong điều trị ung thư lưỡi nhưng thường ảnh hưởng đến nhiều chức năng. Phẫu thuật tạo hình lưỡi là giải pháp hỗ trợ người bệnh giúp giảm những hậu quả nặng nề, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Đến nay, nguyên nhân gây ra ung thư lưỡi vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, trên thực tế một số yếu tố có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ ung thư lưỡi tăng lên như: hút thuốc lá; lạm dụng rượu; chế độ ăn ít hoa quả, rau xanh, nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến; nhiễm virus gây u nhú ở người (human papillomavirus - HPV); tiền sử gia đình có người bị ung thư lưỡi hoặc vùng miệng; người đã từng bị ung thư trước đây, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô vảy ở vị trí khác.
Bệnh nhân điều trị ung thư lưỡi sau phẫu thuật tại Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM
Nam giới từ 50 tuổi trở lên là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất. Những người vừa hút thuốc lá vừa nghiện rượu đối mặt nguy cơ cao hơn 15 lần so với những người khác. Bên cạnh đó còn một số yếu tố nguy cơ khác như: bệnh trào ngược dạ dày thực quản; người có thói quen nhai trầu; bệnh nhân bị phơi nhiễm với một số chất, như amiăng, acid sulfuric, và formaldehyde; người ít vệ sinh răng miệng hoặc có các tác nhân ảnh hưởng tới miệng như có một chiếc răng nhọn gây kích thích hoặc răng giả không có kích thước phù hợp.
Ung thư lưỡi có thể điều trị được, tiên lượng sẽ tốt hơn đối với những người được phát hiện sớm. Những người chưa bị di căn sẽ có tỷ lệ sống sót cao hơn khoảng 78% trong khi cơ hội cho người đã bị di căn chỉ được khoảng 36%.
Đế tránh nguy cơ mắc ung thư lưỡi, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên tạo cho mình một lối sống lành mạnh, khoa học với chế độ ăn uống hạn chế thịt đỏ, tăng cường rau xanh, vận động đều mỗi ngày.
Tránh xa khói thuốc lá, rượu bia, không nhai trầu, giữ vệ sinh răng miệng bằng cách dùng chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn thừa trong kẽ răng, đánh răng thường xuyên, khám răng miệng định kỳ. Khi có biểu hiện bất thường ở lưỡi hoặc vùng miệng cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
Vân Sơn
(ảnh: Bệnh viện cung cấp)