1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm gia tăng theo mùa tựu trường

(Dân trí) - Thời tiết thay đổi thất thường trong mùa tựu trường đang trở thành nguyên nhân chính “tiếp tay” cho sự gia tăng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, phụ huynh cần chú ý những biểu hiện bệnh ở trẻ để đưa bé đi khám chữa kịp thời.

Nóng với bệnh hô hấp và sốt xuất huyết

Khu vực Nam Bộ đang trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa, nền nhiệt độ thay đổi liên tục, chênh lệch lớn ngay trong ngày khiến cơ thể của trẻ không kịp thích nghi, các bé dễ mắc bệnh.

Tại 2 bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn thành phố, từ đầu tháng 8 đến nay mỗi ngày tiếp nhận từ 7 - 8 nghìn bệnh nhi đến khám và điều trị. Những loại bệnh chiếm số lượng lớn nhất là hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết…

20150813-091217-61ac3
Trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng cao tại khu vực phía Nam

Ngày 13/8, tại khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 1, tổng số bệnh nhân nặng đang phải nằm điều trị nội trú tại đây lên tới 304 trường hợp, trong khi số giường thực kê của khoa bệnh chỉ có 100 giường. Khoa Hô hấp đang rơi vào tình trạng quá tải, để bệnh nhân có chỗ nằm điều trị, bệnh viện phải kê thêm giường, thêm băng ca. Dù bệnh nhân đã nằm ghép 2 - 3 bé trên một giường nhưng nhiều bé vẫn phải nằm ngoài hành lang, ngay trên lối đi.

ThS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, cho hay: “Bệnh hô hấp đang diễn tiến theo đúng xu hướng mùa khi thời tiết mưa nắng thất thường ở khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, trong năm nay bệnh có xu hướng tăng cao hơn so với năm 2014. Ngoài những bệnh nhân đang điều trị tại khoa, có tới 30 trường hợp bệnh hô hấp nặng phải điều trị tại khoa Cấp cứu”.

Cũng theo BS Anh Tuấn, hiện các bệnh viêm hô hấp dưới, viêm tiểu phế quản đang tấn công rất mạnh vào nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Nhóm trẻ trên 2 tuổi thường mắc các bệnh viêm phổi. Đặc biệt những trẻ có tiền căn các bệnh lý nền như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, hen suyễn mạn tính, nguy cơ nhiễm bệnh càng cao, việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.

 

20150813-104621-c55b2
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Nhi Đồng 1

Bên cạnh bệnh hô hấp, bệnh sốt xuất huyết cũng đang tăng nhanh. Ths.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Ở thời điểm tháng 4 đến tháng 6, trung bình mỗi ngày khoa chỉ điều trị khoảng 30 đến 40 bé bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện nay số ca bệnh đã tăng cao, ngày 13/8 khoa đang phải điều trị cho 92 bệnh nhi. Trong số đó có 60% là bệnh nhân thuộc các quận huyện trên địa bàn thành phố và 40% bệnh nhân được chuyển đến từ các tỉnh phía Nam. Từ đầu năm đến nay tại khoa đã có 3 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

Các giải pháp hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ

Hiện nay, nhiều trường mầm non, mẫu giáo, trường cấp 1 trên địa bàn thành phố đang tổ chức lớp học hè cho trẻ. Thời điểm giữa tháng 8 các trường sẽ chính thức bước vào năm học mới. Phân tích chuyên môn của BS Trần Anh Tuấn chỉ ra: “Khi đến trường đi học, trẻ sẽ gia tăng sự tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ từ các bạn đang bị bệnh trong điều kiện thời tiết bất lợi, khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm như hô hấp, tay chân miệng, sởi, thủy đậu… là khó tránh khỏi. Chỉ cần một trẻ trong lớp bị bệnh nhưng không được cách li, chăm sóc tốt sẽ khiến cả lớp có nguy cơ mắc bệnh”.

 

20150813-100248-7d357
Con trẻ đổ bệnh, khiến phụ huynh cũng "lao đao"

Để bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe cho con em mình, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh, cần đáp ứng đầy đủ về dinh dưỡng cho các bé. Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để tăng cường đề kháng bảo vệ cơ thể, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hen suyễn trên nền cơ địa suy dinh dưỡng. Không để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi, khói thuốc lá, khói từ bếp than củi hoặc than đá.

Cần mặc đủ ấm, mang khẩu trang cho trẻ khi đi học vào sáng sớm hoặc ra đường trong thời tiết lạnh, mặc đồ thoáng mát trong thời tiết nắng nóng; không để trẻ nằm phòng máy lạnh ở nhiệt độ chênh lệch quá lớn với nhiệt độ ngoài trời để tránh cho cho các bé đổ bệnh so sốc nhiệt độ; thời tiết nắng nóng việc sử dụng quạt gió để làm mát cơ thể là cần thiết, nhưng tránh để quạt đứng một chỗ, thổi thẳng vào người bé.

 

20150813-091153-8a3f2
Nhiều bệnh nhi phải nằm điều trị ở hành lang vì giường bệnh không đủ đáp ứng

Tại trường học, các bé cần phải được học tập, vui chơi trong điều kiện vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Nhà trường phải chủ động vệ sinh môi trường vệ sinh phòng học, khu trẻ vui chơi và đảm bảo tốt vấn đề dinh dưỡng trong ăn uống của trẻ tại trường. Với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm, để tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng thêm, và lây lan cho các bé khác, phụ huynh không nên cho bé đến trường mà cần theo dõi chăm sóc con em mình tại nhà để có hướng xử trí phù hợp.

Trường hợp thấy trẻ ngủ li bì, sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú, có thể kèm theo co giật, miệng, chân tay nổi bóng nước… phụ huynh cần lau nước mát, cho bé uống thuốc hạ sốt để hạ thân nhiệt, nhanh chóng chuyển trẻ vào bệnh viện để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra.

Vân Sơn

Email: vansondantri@gmail.com

 

suckhoe-2e75b