Công trình tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt:

Nhiều kỹ thuật nội soi mới được thế giới ghi nhận

(Dân trí) -- Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi trẻ em” của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương đều là những kỹ thuật nội soi tiên tiến, trong đó có nhiều kỹ thuật là hoàn toàn mới không chỉ ở Việt Nam mà được cả thế giới công nhận.

Trăn trở với nỗi đau của bệnh nhi

Chia sẻ về việc lựa chọn chuyên ngành phẫu thuật nhi, GS Liêm cho biết, đến giờ, ông vẫn tự thấy đó là một quyết định đúng đắn nhất. “Lựa chọn phẫu thuật nhi, có lẽ là do chính cá tính con người tôi, luôn thích cái mới, sáng tạo. Thời điểm đó, chuyên ngành phẫu thuật nhi còn rất mới ở Việt Nam. Tại Viện Nhi TƯ, chuyên ngành phẫu thuật nhi mới có 3 - 4 người. Vì thấy đây là lĩnh vực mới, hầu như chưa có ai khám phá nên quyết định lựa chọn”.
 
Nhiều kỹ thuật nội soi mới được thế giới ghi nhận

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (ngồi giữa) mổ biểu diễn tại hội nghị phẫu thuật nội soi Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: H.K

Từ khi chính thức bước vào lĩnh vực phẫu thuật nhi từ năm 1979, BS Nguyễn Thanh Liêm - khi đó còn là một bác sĩ nội trú trẻ đã luôn trăn trở, làm sao để cải tiến những kỹ thuật mổ để các bệnh nhi nhỏ bé nhanh lành bệnh, đỡ chịu những đau đớn.

“Nhìn các em nhỏ 2 - 3 tuổi nhưng còi cọc vì bệnh tật, đau đớn cả tháng trời với vết mổ to, vừa lại lại người thì lại chuẩn bị bước vào cuộc mổ tiếp theo… Trong một năm mà phải đại phẫu đến 3 lần, các bé đều khiếp đảm khi nhìn thấy bác sĩ, còn bác sĩ khi nhìn thấy các em cũng không khỏi cầm lòng vì bé nhỏ thế mà phải chịu đựng đau đớn của những cuộc đại phẫu liên tiếp”, TS Liêm chia sẻ về việc điều trị cho những bệnh nhi bị phình đại tràng bẩm sinh.

Cùng với sự thương cảm nỗi đau mà các bệnh nhi phải gánh chịu là phương châm hành động: “Đừng bao giờ coi một phương pháp mổ đã là lý tưởng. Mỗi ngày, khi mổ xong cho bệnh nhi tôi luôn suy nghĩ xem có cách nào làm tốt hơn không, có cách nào có thể làm giảm thời gian, có cách nào làm bệnh nhân chóng hồi phục không, có kết quả điều trị tốt hơn không?”, GS Liêm đã có nhiều cải tiến cho các phương pháp mổ, mang lại kết quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhi, giảm bớt thời gian nằm viện cho các em.

Một loạt các phương pháp mổ cho bệnh nhi có thể kể tới như: Mổ chữa bệnh phình đại tràng bẩm sinh bằng phẫu thuật nội soi; Điều trị ẩn tinh hoàn bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng; Phẫu thuật nội soi lồng ngực; Điều trị van niệu đạo sau bằng phương pháp cắt van nội soi; Điều trị thận niệu quản đôi bằng phẫu thuật nội soi; Điều trị ra nhiều mồ hôi tay ở trẻ em bằng phẫu thuật nội soi ngực cắt thần kinh giao cảm… đều dần được cải tiến, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cũng như thời gian nằm viện ngắn nhất cho bệnh nhi.

Ví dụ kỹ thuật mổ phình đại tràng bẩm sinh, đây là bệnh ruột giãn to khiến trẻ không đi đại tiện được. Để chữa căn bệnh này, trước đây Việt Nam mổ rất vất vả, biến chứng nhiều. Sau khi được cải tiến, kỹ thuật mổ đã tốt hơn nhưng để điều trị căn bệnh này cho một bệnh nhi phải mất cả năm trời với 3 lần mổ, mỗi lần cách nhau khoảng 3 - 4 tháng. “Thấy thời gian phải vào viện, phẫu thuật quá nhiều với bệnh nhi, tôi đã quyết định giảm xuống mổ còn 2 lần cho bệnh nhi. Dù giảm được một lần mổ đã là rất quý với trẻ, nhưng tôi vẫn không hài lòng, nghĩ rằng vẫn có thể rút xuống 1 lần mổ”, TS Liêm chia sẻ.

Giảm xuống 1 lần mổ giải quyết dứt điểm bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh là một quyết định rất mạo hiểm, đối mặt với nhiều khó khăn của GS Liêm. “Mổ lần đầu tiên cho bệnh nhi khi rút xuống 1 lần mổ, tôi chịu rất nhiều áp lực bởi nếu thất bại thì càng vất vả cho bệnh nhi, khi đó không chỉ một lần mổ mà thậm chí 3 - 4 lần vì biến chứng nhiễm trùng do bục đoạn mổ là hoàn toàn có nguy cơ và rất phức tạp. May mắn, ca bệnh đầu tiên đã thành công”, TS Liêm nói.

Dù đã giảm xuống còn một lần mổ cho bệnh nhi, nhưng GS Liêm vẫn chưa thoải mãn bởi đường mổ rất to, và ông đã quyết định nghiên cứu kỹ thuật mổ nội soi cho trẻ và đã thành công.

Cũng với kỹ thuật nội soi bệnh phình đại tràng bẩm sinh, GS Liêm đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực tiến hành phẫu thuật nội soi ở trẻ em vào năm 1997 (Singapore tiến hành từ năm 1999).

Nghiên cứu và triển khai thành công tất cả các kỹ thuật nội soi phưc tạp của thế giới vào VN như kỹ thuật nội soi lồng ngực cắt thùy phổi, kỹ thuật nội soi tạo hình thực quản, nội soi điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh…

Ngoài việc nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật đã được triển khai trên thế giới vào Việt Nam, GS Liêm đã nghiên cứu cải tiến và sáng tạo nhiều kỹ thuật mổ mới đóng góp vào quá trình phát triển phẫu thuật nội soi trẻ em thế giới.

Dạy học trò: Đừng bao giờ suy nghĩ trong một cái hộp

Từ phương châm hành động của mình, luôn không bằng lòng với những hiện tại, luôn luôn phải có những cái tốt đẹp hơn, mới hơn, luôn tìm đến những thử thách mới, khám phá mới. Tôi luôn dạy anh em đi sau không bao giờ được đi theo một lối mòn, không bao giờ suy nghĩ trong một cái hộp, đừng bao giờ coi một vấn đề gì đã là giải quyết xong, đừng bao giờ coi một phương pháp mổ đã là lý tưởng”.

Nhờ phương châm này nên dù nhiều kỹ thuật mổ đã được chính GS Liêm cải tiến nhưng ông vẫn luôn không bằng lòng với nó, luôn nghĩ đến việc cải tiến để làm sao có một phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhi.

Ngoài phương pháp nội soi bệnh phình đại tràng bẩm sinh, có thể nói đến kỹ thuật mới phẫu thuật chữa thoát vị cơ hoành qua nội soi. Trước đây để chữa trị, người ta mổ ngang đường bụng, cắt cơ, sang chấn, nguy cơ tử vong cao. Đến năm 2000, GS Liêm đã thành công mổ nội soi ở trẻ lớn và bắt đầu thực hiện dần ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sau 2 - 3 ngày sinh. Tiếp đến, ông còn thành công hơn một bước khi thực hiện phẫu thuật này trên bệnh nhi đang thở máy cao tần. Thế giới phải rất kinh ngạc trước thành công này của Việt Nam. Bởi năm 2003, một tác giả của Mỹ cũng báo cáo về phương pháp này nhưng khuyến cáo là không nên làm ở trẻ sơ sinh và Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại.  Đến hơn nay đã phẫu thuật được gần 300 trường hợp thì có 70% là trẻ sơ sinh, tỉ lệ thành công lên đến 90%.

Một phương pháp nội soi khác cũng gây ấn tượng mạnh với thế giới, đó là điều trị u nang ống mật chủ bằng phương pháp nọi soi. Việt Nam đã thực hiện thành công 500 ca và không có trường hợp nào tử vong. Trong khi đây là phẫu thuật rất phức tạp, nhiều nguy cơ biến chứng, ngay cả phẫu thuật mổ mở cũng nhiều khó khăn. Trên thế giới, các nước chỉ thực hiện rất nhỏ lẻ, mỗi đơn vị mỗi năm từ 4 - 5 ca. Khó khăn đầu tiên là ít bệnh nhân và cũng khó khăn, nguy hiểm nên nhiều nơi không dám làm, vẫn mổ mở.
 
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm giảng bài tại Hội nghị phẫu thuật nội soi thế giới. Ảnh: H.K
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm giảng bài tại Hội nghị phẫu thuật nội soi thế giới. Ảnh: H.K

Tiếng tăm của nội soi Việt Nam đã vang xa trên toàn thế giới. Viện Nhi Trung ương trở thành một trong các trung tâm phẫu thuật nội soi trẻ em tiên tiến nhất trên thế giới được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Trở thành một trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi trẻ em không chỉ cho Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới gồm Thái Lan, Phillipine, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Italia. Trong những năm qua, GS Liêm đã có 20 công trình nghiên cứu về phẫu thuật nội soi xuất bản trên các tạp chí quốc tế, 10 công trình xuất bản trên các tạp chí trong nước, đã chủ trì 1 đề tài cấp bộ và đang chủ trì 1 đề tài cấp nhà nước về phẫu thuật nội soi trẻ em.

Với phương châm sống “Đừng bao giờ coi một phương pháp mổ đã là lý tưởng” và là một con người luôn trăn trở, luôn thích khám phá, tìm tòi những cái mới, chắc chắn những kỹ thuật mổ này chưa dừng lại dù đã có nhiều ưu điểm, nó sẽ tiếp tục được cải tiến, phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa nhờ bàn tay vàng của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm. Một giáo sư quốc tế đã từng nói với học trò: “Cậu phải đến VN học phẫu thuật nhi. Cậu phải đến đó mới thấy được tương lai của phẫu thuật nhi của thế giới”.

Hồng Hải