1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Hà Nội:

Nhiều dịch bệnh có chiều hướng giảm

(Dân trí) - Sau 2 tháng đầu năm diễn tiến dịch bệnh (cúm A/H1N1, sốt phát ban, sởi,…) khá phức tạp, từ đầu tháng 3 đến nay, bệnh dịch ở Hà Nội đã có chiều hướng giảm. Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo người dân không nên chủ quan.

Chưa ghi nhận ca cúm A/H5N1 nào trong năm 2011

TS. Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc TTYT dự phòng Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội hiện khá ổn định. Nếu như trong 2 tháng đầu năm, mỗi tuần có khoảng 4/20 ca sốt phát ban nghi sởi dương tính thì thời điểm này, chỉ rải rác 5-7 ca/tuần và không có ca dương tính.
 
Riêng cúm A/H1N1, tính từ đầu tháng 3 tới nay chỉ có vài trường hợp trong khi trước đó, tính đến hết tháng 2, toàn thành phố ghi nhận 93 ca trong đó 1 trường hợp tử vong, 2 ca biến chứng nặng. Điều đáng mừng là năm 2011, cả TP chưa ghi nhận ca cúm A/H5N1 và tiêu chảy cấp nguy hiểm nào.

Nhiều dịch bệnh có chiều hướng giảm - 1

Từ đầu tháng 3 đến nay, dịch bệnh có chiều hướng giảm (ảnh: T.H)

Về dịch sốt xuất huyết, Hà Nội chưa ghi nhận ổ dịch nào từ đầu năm đến nay nhưng bệnh lưu hành quanh năm, tháng nào cũng có trường hợp mắc. Tính đến nay, số ca mắc rải rác hầu hết khắp các quận, huyện là hơn 140 ca. Theo qui luật hàng năm, sốt xuất huyết thường phát triển vào tháng 6, 7 và bùng phát từ tháng 9 đến tháng 11.

Nâng cao ý thức phòng dịch bệnh

Mặc dù, hầu hết các dịch bệnh đã giảm nhưng TS Cảm khuyến cáo, người dân không nên chủ quan bởi nhiều loại dịch bệnh lưu hành quanh năm.
 
Trong những tháng tới, khi trời ngày càng nắng nóng, vấn đề VSATTP cần được quan tâm hơn. Mỗi người dân nên nắm rõ cách phòng bệnh tiêu chảy cấp như thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
 
Đối với bệnh cúm, sốt phát ban,nên đeo khẩu trang khi ở chốn đông người, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi hắt hơi. Khi có biểu hiện sốt, phát ban thì không được tự ý dùng thuốc mà đến khám ở các cơ sở y tể để xác định chính xác bệnh. Ngoài ra có thể tiêm phòng (trẻ 12-15 tháng và thai phụ).
 
Với bệnh viêm não Nhật Bản, tháng Tư là thời điểm bắt đầu “vào mùa” vì vậy cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
 

Riêng với bệnh sốt xuất huyết, cách phòng bệnh hiệu quả là dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ các vật chứa nước đọng. Khi có các biểu hiện sốt cao đột ngột, kéo dài, kém ăn, người mệt mỏi, đôi khi xung huyết dưới da hoặc có phát ban thì cần đến các cơ sở y tế, tuyệt đối không được tự ý điều trị kháng sinh hay truyền dịch.

Thu  Hà,  MĐ