Nhiều chùm ca nhiễm cúm, một bệnh nhân tử vong
(Dân trí) -Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời gian qua tiếp nhận nhiều chùm ca cúm. Có những chùm bệnh cả nhà, vợ chồng, con cái đều bị cúm phải nhập viện điều trị. Một bệnh nhân biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim gia đình đã xin về đêm 17/3.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chỉ riêng trong ngày 16/3, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận 2 ca mắc cúm A/H1N1 đại dịch nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, tổn thương hai bên phổi.
Trường hợp thứ nhất là một nữ bệnh nhân 26 tuổi (ở Ngọc Lạc, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi thâm nhiễm cả hai bên phổi và ngay lập tức phải vào thở máy và vẫn đang diễn biến nặng lên. Cùng đợt với bệnh nhân còn 5 người thân trong gia đình nhập viện, trong đó có chồng nhưng diễn biến nhẹ hơn. Trước thời điểm nhập viện bệnh nhân ốm lửng chửng gần 6 ngày tại nhà và khi thấy tình trạng nặng lên, lại có hiện tượng gia cầm ốm quanh nhà nên gia đình đã chuyển ngay bệnh nhân ra Hà Nội.
Bệnh nhân thứ hai là một cụ ông 61 tuổi (ở Khoái Châu, Hưng Yên), được đưa đến viện sau ngày thứ 6 với các dấu hiệu cúm gồm sốt, mệt mỏi và đau người. Khi khám tại BV Hồng Ngọc có tình trạng khó thở, suy hô hấp, chụp phổi có tổn thương phổi hai bên nên đã được chuyển thẳng sang BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Ngoài ra, có một bệnh nhân nữ 79 tuổi ở Bắc Giang nhiễm cúm A/H1N1 bị viêm phổi nặng, viêm cơ tim nặng, đêm 17/3 gia đình đã xin về. Một bệnh nhi nhỏ tuổi diễn tiến cũng nặng lên phải vào thở máy.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu tháng 2 đến nay ghi nhận một số chùm ca bệnh, có những gia đình 7-8 người cùng bị cúm. Trung bình mỗi ngày tại viện cũng có từ 3-4 ca bệnh đến khám vì cúm, nhưng đại đa số là bệnh diễn biến nhẹ, tự khỏi chỉ có một số trường hợp biến chứng nặng gây viêm phổi. Theo đó, từ Tết đến nay ghi nhận 7 ca có biến chứng viêm phổi nặng, trong đó hiện đang còn điều trị 2 ca người lớn và một trẻ 2 tuổi.
Đầu tháng 1 cũng xảy ra chùm ca bệnh hơn 40 học sinh một trường nội trú tại Hà Nội cùng mắc chủng cúm này. Các em học sinh này nhập viện trong tình trạng sốt, nhiễm trùng đường hấp, dấu hiệu điển hình của hội chứng cúm nên đã được nhập viện theo dõi và điều trị bằng Tamifflu.
"Hầu hết các ca cúm H1N1 bị biến chứng viêm phổi, suy đa phủ tạng là những bệnh nhân trẻ. Vì trẻ, khỏe, cho rằng bị cúm thông thường nên dù diễn biến nặng hơn cũng không đi khám", BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.
TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết: “Các chủng cúm đều tiến triển nhanh chứ không riêng gì độc lực mạnh hay yếu, kể cả cúm A/H1N1, cúm mùa hay H5N1, H7N1. Riêng với cúm đại dịch 2009 là cúm A/H1N1 đa phần là lành tính, tự khỏi chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. Tuy nhiên không vì thế mà người dân chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất”.
Thời tiết ẩm ướt hiện nay ở miền Bắc tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển. Hơn nữa, chủng cúm nào cũng có nguy cơ diễn tiến viêm phổi nặng chứ không riêng gì cúm gia cầm. Như với cúm A/H1N1 là cúm thường, trên 90% bệnh nhân là tự khỏi, tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân bị diễn tiến nặng lên tùy cơ địa mỗi người. Hiện nay đang là mùa cúm, có triệu chứng cúm, xuất hiện khó thở, đau ngực thì nên đến viện sớm để không mất đi “thời gian vàng” dùng Tamiflu là 3 ngày đầu. Để phòng bệnh, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang nơi đông người, hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính; thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao. Những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đặc biệt là khó thở không rõ nguyên nhân nên đến sớm cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Có thể tiêm vắc xin cúm mùa (thường gồm 3 type cúm phổ biến của năm đó) trước mùa cúm là tháng 4 và tháng 10. |
Thanh Hóa: Hai bệnh nhân nhiễm cúm lợn sau khi ăn gà chết? Hiện tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh này đã phát hiện hai trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 ở người. Được biết, hai bệnh nhân có kết quả dương tính với cúm A/H1N1 ở làng Quang Tiến, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc. Theo người nhà bệnh nhân Lê Bá Chiến, trước đó, vào ngày 2/3, anh Chiến phát hiện một con gà của gia đình bị chết nên đưa vào làm thịt ăn. Đến ngày 13/3, hai vợ chồng anh Chiến và con gái Lê Lan Anh (5 tuổi) có biểu hiện sốt, ho. 10 ngày sau, cả nhà phải nhập bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khám, điều trị và 16/3 phải chuyển lên bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy chị Lan và cháu Anh dương tính với cúm A/H1N1 (cúm lợn). Hiện toàn bộ đàn gia cầm của gia đình anh Chiến đã được tiêu hủy, công tác phòng chống dịch đề phòng bệnh lây lan đã được cơ quan chức năng triển khai. Ở một diễn biến khác, sau hơn 20 ngày tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đến nay huyện Tĩnh Gia không phát sinh thêm các ổ dịch mới. Từ 6/2 đến nay, huyện Tĩnh Gia đã tiêu hủy 715 con gia cầm thuộc hai xã Anh Sơn và Tân Trường. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Quyết định công bố hết dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia. Duy Tuyên |
Hồng Hải