Nhiều ca bệnh bác sĩ tốn công sức vẫn không qua khỏi vì nhiễm khuẩn bệnh viện

(Dân trí) - Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng được quan tâm, tỉ lệ nhiễm khuẩn giảm xuống. Tuy nhiên vẫn còn những ca nhiễm khuẩn bệnh viện làm cho nhiều công sức của nhiều đơn vị, từ hồi sức, ngoại khoa…đổ sông đổ bể vì bệnh nhân không thể qua khỏi.

Tại hội thảo chuyên đề: “Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tại các đơn vị chăm sóc tích cực” diễn ra chiều 12/4, PGS Châu cho rằng, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện có nguy cơ rất cao vì quá tải bệnh viện, vì là bệnh viện tuyến cuối đón bệnh nhân đã đi qua rất nhiều cơ sở y tế trước đó.

Tại BV Bạch Mai, công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện luôn được tăng cường, tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng giảm đi, từ 6,1% năm 2006 xuống 5.0% năm 2011.

Nhân viên y tế hướng dẫn người nhà bệnh nhân rửa tay với dung dịch sát khuẩn trước khi chăm sóc người bệnh. Ảnh: H.Hải
Nhân viên y tế hướng dẫn người nhà bệnh nhân rửa tay với dung dịch sát khuẩn trước khi chăm sóc người bệnh. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Bạch Mai), các đơn vị chăm sóc tích cực là khu vực có nguy cơ nhất nhiễm khuẩn bệnh viện. Bởi đây là nơi tập trung bệnh nhân nặng, hệ thống bảo vệ cơ thể suy giảm, thời gian nằm viện kéo dài và phải chịu nhiều thủ thuật xâm nhập.

Tại BV, nhiễm khuẩn phổi gặp cao nhất với 44,7%, tiếp đến là nhiễm khuẩn vết mổ (29,3%), tiếp đến là nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn máu.

Trong những năm qua, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đã giảm đáng kể. Như với nhiễm khuẩn vết mổ năm 2016 đã giảm 2/3 so với năm 1999. Từ chỗ thực hiện 5- 6 ca mổ/ngày thời điểm đó, đến nay thực hiện khoảng 100 ca phẫu thuật lớn mỗi ngày, nhưng tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ chỉ chiếm 3,7%.

Tương tự, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa Hồi sức tích cực, giảm gần 50% so với 10 năm trước). Từ 29 – 30% năm 2002 giảm xuống còn 24,7% sau 6 năm và đến giai đoạn 2014 – 2016 tỷ lệ này còn 13,2%.

“Tuy nhiễm khuẩn bệnh viện đã giảm nhưng còn ở mức hơn 2-3 lần so với những nước phát triển. Mục tiêu đặt ra phải giảm nhiễm khuẩn bệnh viện tại khu vực này xuống còn một con số”, PGS Hùng nói.

Hầu hết nhiễm khuẩn tại các Đơn vị chăm sóc tích cực gây ra bởi các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Nhiễm khuẩn bệnh viện do kháng sinh, đa kháng kháng sinh rất khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân do làm tăng gấp 2 lần ngày nằm viện, chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong (30-40%). Thực tế, nhiều ca bệnh các thầy thuốc đã nỗ lực, tốn nhiều công sức nhưng vì nhiễm khuẩn bệnh viện, bệnh nhân lại trở nên trầm trọng, thậm chí tử vong.

Để giảm thiểu hơn nữa tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, PGS Hùng cho rằng không chỉ ở nhân viên y tế mà cần ý thức thực hiện của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Theo đó, mọi nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các qui trình vô khuẩn trong chăm sóc ở mọi nơi; phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh

Cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiễm khuẩn: nơi xử lý đồ bẩn, phương tiện vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải. Duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải…

Đặc biệt cần duy trì kiểm tra, giám sát chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các khoa phòng để tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, phát hiện sớm nhiễm khuẩn bệnh viện.

Hồng Hải