Nhiều bệnh nhi viêm phổi dịp Tết

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, trong dịp Tết nguyên đán, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị viêm phổi nặng phải nhập viện, đa số đều là trẻ dưới 2 tuổi.

Nhiều bệnh nhi viêm phổi dịp Tết
Phòng cấp cứu, khoa Nhi (BV Bạch Mai) luôn tấp nập trong suốt dịp Tết. Đại đa số bệnh nhi phải nhập viện là do viêm phổi. Ảnh: H.Hải

Ngay từ tối 29 Tết, tua trực vẫn tấp nập khám cho bệnh nhân như ngày thường. Một bác sĩ trực cho biết: “Hết tua trực, giữ nguyên hiện trường (số bệnh nhân cũ) và thêm 10 bệnh nhân mới phải nhập viện, trong đó chủ yếu là viêm phổi”. Cũng theo kinh nghiệm của bác sĩ trực này, chưa Tết năm nào lại nhiều bệnh nhân nặng phải nhập viện như vậy.

Lý giải về nguyên nhân này, TS Dũng cho biết: “Đợt Tết năm nay rơi đúng thời điểm chuyển mùa, từ lạnh sang nóng, rồi đang nóng lại chuẩn bị sang lạnh, cơ thể trẻ không kịp thích nghi nên rất nhiều trẻ bị viêm phổi. Trẻ cứ chuyển mùa là đổ bệnh, không trừ bất cứ thời điểm nào, kể cả Tết”, TS Dũng nói.

Trước đó, trước dịp Tết, khoa đã cho các bệnh nhi điều trị bệnh mãn tính xuất viện. Những bệnh nhi viêm phổi đã đỡ (được chuyển từ tiêm sang uống) xuất viện. Tuy nhiên, số bệnh nhân trong mỗi ngày Tết vẫn dao động từ 8 - 10 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày (trong đó quá 2/3 là viêm phổi). Bệnh nhân viêm phổi cũ chưa kịp xuất viện lại thêm bệnh nhân viêm phổi mới, các bác sĩ làm việc vất vả hơn ngày thường.

“Vì tiên lượng được số bệnh nhi nhập viện sẽ tăng cao trong dịp Tết, nên khoa đã có kế hoạch chỉ nghỉ Tết, bố trí bác sĩ trực hết mùng 5 còn toàn cán bộ khoa đã đi làm lại từ ngày mùng 6 Tết”, BS Dũng nói.

“Không hiểu sao, năm nào cũng vậy, cứ chiều Tất niên là cu cậu nhà mình lại hâm hấp sốt, ho, mẹ theo dõi đến đêm kiểu gì cũng phải vào viện. Năm nay, khám xong, ra nhà thuốc bệnh viện mua thuốc, cô bán thuốc còn trêu: “Nhà chị xông đất nhà thuốc đấy”. Cũng may bé lớn, lại mới chớm viêm phổi, bác sĩ kê thuốc về uống, mùng 5 Tết vào khám lại đã đỡ, chỉ phải uống thêm hai ngày thuốc”, chị Minh Hiền, Văn Quán, Hà Đông cho biết. TS Dũng cho biết thêm, hiện nhiều bà mẹ đã rất “tiến bộ”, thấy con có dấu hiệu bất thường là đưa đến viện, kể cả đêm hôm, Tết nhất mà không còn quan niệm “kiêng” đầu năm đã đi viện thì bệnh tật cả năm. Tuy nhiên, vì trẻ nhỏ diễn tiến bệnh nhanh nên nhiều trẻ bị viêm phổi nặng.

“Nhiều người luôn thắc mắc, con không ho, không sốt sao lại viêm phổi, nhất là ở trẻ nhỏ. Không giống viêm phổi ở trẻ lớn với những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều, nghe lưng có thể thấy tiếng “rít”, ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, viêm phổi diễn biến rất nhanh và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua. Với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì dấu hiệu sốt, ho là những dấu hiệu không quan trọng, thậm chí nhiều trẻ không sốt (chỉ hâm hấp) và không ho nhưng đã bị biến chứng viêm phổi rất nặng. Những trường hợp này, chỉ mới nghe tim phổi bác sĩ đã có thể chẩn đoán chắc chắn viêm phổi và chụp X- quang sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh phổi bị viêm”, TS Dũng nói.

Vì thế, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh cần chú ý 3 dấu hiệu cơ bản để xác định tình trạng bệnh của bé, kịp thời đưa tới viện. Đó là theo dõi quá trình bú, khi bé ngủ và cách thở của bé.

Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú rồi bé lại có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diến biến nặng. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, có những trẻ chỉ có một biểu hiện trong ba biểu hiện đó nhưng đã bị viêm phổi. Vì thế, cha mẹ không nên “đợi” có đầy đủ dấu hiệu mới đi khám, mà thấy trẻ có bất thường về giấc ngủ, hay thấy thở nhanh thì nên đưa con đi khám sớm nhất.

TS Dũng khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ thời điểm giao mùa phải rất chú ý trong việc giữ ấm cho trẻ. Khi mới ngủ, bé toát mồ hôi phải lau khô cho trẻ, đêm về sáng trở lạnh phải mặc cho trẻ ấm hơn. Còn khi trẻ có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là quấy khóc nhiều, bỏ ăn, nhịp thở nhanh hãy đưa đến viện sớm nhất để được chẩn đoán, điều trị, tránh nguy cơ nhập viện khi bệnh quá nặng rất nguy hiểm cho trẻ cũng như tăng chi phí điều trị.

Hồng Hải