Nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ làm chậm bước tiến của virus corona
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ và độ ẩm tăng sẽ làm chậm sự lây lan của virus corona trên toàn cầu, nhưng sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn căn bệnh này nếu chỉ dựa vào thời tiết.
Khi thời tiết trở nên ấm hơn và ẩm hơn ở 100 thành phố của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa nhận thấy tốc độ truyền COVID-19 giảm đi.
“Nhiệt độ và độ ẩm tương đối cao làm giảm đáng kể lây truyền COVID-1”, các tác giả nghiên cứu viết.
Tổng thống Donald Trump trong nhiều tuần đã đảm bảo với người dân Mỹ rằng virus corona, hiện đã khiến 41.000 người Mỹ nhiễm bệnh, sẽ suy yếu vào tháng 4 vì “nhìn chung thời tiết nóng sẽ giết chết loại virus này”.
Mặc dù các chuyên gia y tế công cộng và nghiên cứu mới cho thấy rằng virus không phát triển mạnh ở nhiệt độ ấm, song nhiệt độ và độ ẩm sẽ chỉ làm giảm tốc độ lây truyền – chứ không hoàn toàn ngăn chặn được nó.
Kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 12, đám cháy virus đã lan tới hơn 350.000 người trên toàn thế giới giữa thời tiết lạnh.
Tại Trung Quốc, dịch đạt tới đỉnh điểm vào tháng 2 với hơn 15.000 trường hợp được chẩn đoán trong một ngày.
Nhưng hiện giờ ở đó chính thức đã là mùa xuân, và cùng với sự ra đi của mùa đông thì số ca nhiễm cũng giảm mạnh ở Trung Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc đã báo cáo không có ca nhiễm virus nào do lây truyền nội địa - một bước tiến đáng khích lệ.
Kết quả này đạt được ngay trước ngày Lập xuân (thứ Bảy, 21 tháng 3), nhưng cũng diễn ra sau các biện pháp nghiêm ngặt phong tỏa hàng chục triệu người ở Vũ Hán và các thành phố khác của Trung Quốc.
Phân tích vai trò của thời tiết trong cuộc chiến có vẻ thành công của Trung Quốc chống lại COVID-19 với các yếu tố khác sẽ khó khăn hơn là chỉ đơn thuần nhìn vào số ca nhiễm và nhiệt độ.
Trong nỗ lực để làm điều này, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã đánh giá số liệu của hơn 100 thành phố ở Trung Quốc, những nơi có từ 40 trường hợp nhiễm virus corona trở lên trong khoảng thời gian từ 21 tháng 1 đến 23 tháng 1.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi số ca lây nhiễm, nhiệt độ và độ ẩm ước tính tại các thành phố này trước ngày 24 tháng 1, khi việc phong tỏa diễn ra và các lễ hội dịp Tết Nguyên đán đã bị hủy bỏ.
Các chuyên gia trên toàn thế giới đang cố gắng ước tính R0, hay tốc độ lây lan của bệnh.
Tốc độ này có vẻ nằm ở khoảng giữa 2 và 2,5, có nghĩa là 1 người bị nhiễm sẽ làm lây virus sang cho từ 2 đến 2,5 người.
Nhưng giá trị này giảm xuống khi nhiệt độ và độ ẩm tăng, theo các tác giả của nghiên cứu Trung Quốc, được công bố đầu tháng này.
“Nhiệt độ tăng 1 độ C và nhiệt độ tăng 1% sẽ làm R giảm tương ứng là 0,0383 và 0,0224.'
“Trong những ngày đầu dịch bệnh, các quốc gia có nhiệt độ không khí tương đối thấp hơn và độ ẩm thấp hơn (ví dụ Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran) đã thấy dịch bệnh bùng phát so với các nước ấm hơn và ẩm hơn (ví dụ Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn tại sao rất nhiều virus - bao gồm cả họ virus corona mà COVID-19 là một thành viên – lại “khỏe” hơn ở nhiệt độ lạnh hơn trong môi trường.
Nhưng chúng ta biết rằng hệ thống miễn dịch bị suy yếu trong mùa đông. Không khí lạnh và khô làm khô chất nhầy trong mũi, vốn đóng vai trò như một tuyến phòng thủ đầu tiên, và virus đường hô hấp thường xâm nhập qua đường mũi.
Một số tế bào miễn dịch, được gọi là thực bào, có vẻ ít hoạt động hơn trong cơ thể ở nhiệt độ lạnh hơn, có nghĩa là chúng ít có khả năng phát hiện và tiêu diệt virus.
Theo phương trình của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nếu nhiệt độ ở Mỹ tăng 15 độ C, thì một người nhiễm bệnh sẽ lây truyền virus corona cho khoảng 0,6 người.
Cùng với sự giãn cách xã hội, điều này có thể giúp giảm bớt lây lan của virus, nhưng nó không ngăn chặn hoàn toàn, như gợi ý từ một số nghiên cứu trích dẫn rằng virus không thể tồn tại ở nhiệt độ 30 độ C.
Cẩm Tú
Theo DM