1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiễm trùng tiểu: khó nhận biết nhưng dễ tránh

(Dân trí) - Con bị mắc bệnh nhiễm trùng tiểu (NTT) nhưng các bà mẹ không hề hay biết vì dấu hiệu bệnh rất mơ hồ. Không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng huyết, sẹo thận, cao huyết áp.

Những bé có sức đề kháng kém hoặc có dị dạng đường niệu thì dễ mắc NTT hơn. Đặc biệt, NTT thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai do niên đạo ở trẻ gái ngắn hơn, vi trùng dễ dàng vào cơ thể và gây nhiễm trùng.

NTT có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng huyết nếu không được điều trị. Ngoài ra NTT có thể để lại những di chứng như trào ngược bàng quang niệu quản hoặc tổn tương cấu trúc của thận không hồi phục (còn gọi là sẹo thận).

Sau một đợt nhiễm trùng tiểu hoặc nhiễm trùng tiểu tát phát nhiều lần thì 10-15% trẻ sẽ bị tổn thương ở thận dưới dạng sẹo thận. Sẹo thận có thể gây cao huyết áp và lâu dài dẫn đến suy thận mãn sau này.

BS Lưu Thanh Bình, khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 2 cho hay bệnh NTT có thể để lại những tác hại nghiêm trọng nhưng triệu chứng bệnh mơ hồ, không rõ ràng nên phụ huynh rất khó nhận biết. Tuy nhiên, phụ huynh có thể “bắt bệnh” cho con qua những dấu hiệu gián tiếp như đối với trẻ sơ sinh và nhũ nhi: sốt không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, không tăng cân hoặc vàng da kéo dài.

Với trẻ lớn hơn thì có nhiều biểu hiện dễ nhận biết hơn như trẻ than tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, muốn đi tiểu mà không đi được hoặc trẻ có thể tiểu són. Nước tiểu có thể dục hoặc tiểu máu. Trẻ cũng có thể sốt, than đau bụng, đau hông lưng.

Theo BS Bình, các biện pháp giúp ngừa NTT lại không quá phức tạp. Để phòng ngừa NTT ở trẻ nhỏ, đặc biệt là ở bé gái sau mỗi lần đi tiểu nên rửa vệ sinh và lau chùi đúng cách theo hướng từ trước ra sau. Ngoài ra, các bà mẹ nên thường xuyên kiểm tra tã lót cho trẻ và nên thay tã ngay sau khi bé tiêu tiểu chứ không để dồn sau nhiều lần tiểu.

Ông Bình đánh giá, hiện nay ở trường học, khu vui chơi giải trí… thiếu nhà vệ sinh hay nhà vệ sinh không sạch gây tâm lý ngại đi tiểu cho trẻ. Trẻ nín tiểu rất nguy hiểm vì nước tiểu khi không được thải ra ngoài, ứ đọng trong bàng quang sẽ là môi trường cho vi trùng dễ xâm nhập vào cơ thể và gây NTT. Vì thế các bà mẹ nên chú ý cho con đi tiểu đều đặn và khuyến khích con không nên nhịn tiểu.

BS Bình lưu ý các phụ huynh cần cho trẻ uống nước đủ theo nhu cầu để trẻ đi tiểu nhiều. Nước tiểu sẽ tống xuất vi khuẩn ở thành niệu đạo đang đi ngược lên bàng quang. Không có nước tiểu cũ bị ứ đọng thường xuyên trong bàng quang thì sẽ không có điều kiện để vi khuẩn trú ngụ lâu. Ngoài ra, trong thực đơn ăn uống tránh không để trẻ bị táo bón.

Hoài Nam