1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Nhảy múa” với những con số chiều cao

Gần đây, các chuyên gia kinh tế và giới báo chí tỏ ra nghi ngờ những con số về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ít ai chú ý đến một con số cũng quan trọng không kém vì liên quan đến tầm vóc giống nòi: chiều cao.

Nguyễn Hùng

Nguyễn Hùng

 

Đề án nâng tầm chiều cao người Việt (xin gọi tắt là “đề án”) được phê chuẩn với một ngân sách 6.000 tỉ đồng, đặt mục tiêu đến năm 2020 nâng chiều cao trung bình của nam thanh niên lên 167cm, và 156cm cho nữ giới. Mục tiêu này được đặt ra dựa trên những con số về chiều cao hiện hành, về khả năng tăng trưởng trong vòng mười năm, và giả định về ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Nhưng điểm qua y văn và những dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ Việt Nam, tôi thấy có ba điều cần bàn thêm: chiều cao hiện nay, tính khả dĩ của mục tiêu, và ảnh hưởng của di truyền.

 

Chiều cao người Việt hiện là bao nhiêu?

 

Hiện nay, những con số về chiều cao người Việt mà các cơ quan hữu trách đưa ra đều… không giống nhau. Tuần qua, báo chí có trích dẫn phát biểu của một vị thuộc viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết chiều cao của nam thanh niên là 164,4cm, nữ giới là 154,8cm. Tuy nhiên, báo cáo của đề án cho biết chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay là 163,7cm ở nam giới và 153cm ở nữ. Tức con số của viện Dinh dưỡng cao hơn con số của đề án đến 0,7cm (nam) và 1,8cm (nữ).

 

Nghiên cứu của đồng nghiệp chúng tôi ở TPHCM và Hà Nội trên 1.200 người, dùng thước đo điện tử, cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay (2012) là 170cm ở nam giới và 156cm ở nữ giới. Nhưng có lẽ con số này không mang tính đại diện vì chiều cao của cư dân thành phố thường cao hơn cư dân nông thôn 1 - 2cm. Tuy nhiên, con số của chúng tôi cho thấy ở TPHCM và Hà Nội, chiều cao của thanh niên đã đạt chỉ tiêu của đề án.

 

Khả thi?

 

Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2020 (tức bảy năm nữa) tăng chiều cao cho thanh niên thêm 3,3cm (nam) và 3cm (nữ). Chỉ tiêu này dựa trên nhận định ở các nước láng giềng như Thái Lan và Trung Quốc, cứ mười năm thì chiều cao tăng hơn 2cm. Nhưng điểm qua y văn một cách nghiêm chỉnh thì không nước nào có mức độ tăng trưởng nhanh như thế. Nghiên cứu ở Thái Lan trên 86.105 người về sự biến đổi chiều cao từ năm 1940 - 1990 cho thấy chiều cao của nam và nữ tăng 0,2 - 1,2cm mỗi thập niên.

 

Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy trong ba thập niên, chiều cao thiếu niên chỉ tăng 5,3cm (thành thị) và 5cm (nông thôn), tức khoảng 1,7cm trên mười năm.

 

Còn ở Nhật, mới đây một tổng quan của tiến sĩ Tim Cole, người chuyên nghiên cứu chiều cao và cũng là chỗ quen biết của tôi, cho biết trong vòng 40 năm (1950 - 1990), chiều cao thanh niên Nhật chỉ tăng 4cm.

 

Một nghiên cứu công phu khác ở Nhật từ năm 1900 – 2000 cho thấy tính trung bình, cứ mỗi mười năm, chiều cao người Nhật tăng khoảng 1,3cm (nam) và 1,1cm (nữ). Mỹ thì nghiên cứu công phu có tên Fels Study cho thấy sau 50 năm, chiều cao dân nước này chỉ tăng 4,8cm. Còn Hà Lan, trong vòng 17 năm, chiều cao dân họ tăng khoảng 2cm ở nam và 2,3cm ở nữ.

 

Như vậy, chưa có nước nào mà tăng chiều cao trên 2cm trong vòng mười năm. Chỉ tiêu của đề án, theo tôi, là quá lạc quan và đầy tham vọng.

 

Coi chừng lọt bẫy số trung bình!

 

Thật ra, vấn đề không phải là chiều cao trung bình, mà là độ khác biệt chung quanh con số trung bình. Ví dụ: thử tưởng tượng hai nhóm đơn giản như sau - nhóm 1 có hai cá nhân 166 và 168cm cho ra chỉ số trung bình 167cm, nhóm 2 có hai cá nhân với chiều cao 145 và 189cm, cũng cho ra chỉ số trung bình 167cm. Rõ ràng, “chất lượng” phát triển của nhóm đầu cao hơn (vì đồng đều hơn). Ví dụ đơn giản này cho thấy dù mục tiêu đề ra có đạt được, không có nghĩa đến năm 2020 chiều cao tất cả nam thanh niên đều là 167cm và 156cm ở nữ.

 

Trong thực tế, chiều cao của các cá nhân trong một quần thể rất khác nhau. Sự khác biệt giữa các cá nhân có thể đo lường bằng một chỉ số có tên là độ lệch chuẩn. Nghiên cứu trên người Việt Nam của chúng tôi cho thấy độ lệch chuẩn về chiều cao là khoảng 6cm. Nếu chiều cao trung bình của tất cả thanh niên Việt Nam vào năm 2020 là 167cm, với độ lệch chuẩn 6cm có thể ước tính có đến 12% nam thanh niên thấp hơn 160cm - một chiều cao “tương đối thấp”. Tương tự, nếu chiều cao trung bình của tất cả nữ thanh niên đạt chỉ tiêu 156cm, có thể ước tính rằng vẫn còn 16% nữ thấp hơn 150cm.

 

Do đó, vấn đề của chỉ tiêu không phải là con số trung bình, mà là chiều cao tối thiểu. Cần phải xác định chiều cao tối thiểu cần đạt được và bao nhiêu phần trăm dân số đạt chỉ tiêu tối thiểu đó. Vấn đề đặt ra kế tiếp: ngưỡng tối thiểu là bao nhiêu? Để trả lời câu hỏi này phải có những nghiên cứu về mối tương quan giữa chiều cao và sức khoẻ, từ đó xác định được ngưỡng tối thiểu để có sức khoẻ tối ưu.

 

Một chỉ tiêu nữa cần đặt ra là độ tuổi đạt chiều cao tối đa. Y văn cho thấy tuổi đạt được chiều cao tối đa có thể dao động từ 12 - 30. Nghiên cứu trong quá khứ cho thấy khoảng 50% cá nhân đạt chiều cao tối đa trong độ tuổi 13 - 16, và khoảng 40% cá nhân đạt chiều cao tối đa sau tuổi 16. Do đó, chỉ tiêu cần đặt ra là phần trăm thanh niên đạt chiều cao tối đa ở độ tuổi 13 - 16.

 

Ảnh hưởng của di truyền đâu chỉ 20%

 

Đề án (và một vài chuyên gia) phát biểu rằng yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng khoảng 20% đến chiều cao, nhưng tôi nghĩ nó quá thấp so với thực tế. Nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến chiều cao đã được thực hiện từ thế kỷ 19.

 

Điểm qua y văn, tôi thấy phần lớn nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố di truyền có ảnh hưởng lớn đến chiều cao, và dao động từ 60 - 80% hay cao hơn. Một cách đơn giản nhất và hữu hiệu để biết yếu tố di truyền ảnh hưởng như thế nào là qua nghiên cứu trên những cặp sinh đôi. Một nghiên cứu trên 12.000 cặp sinh đôi trên thế giới cho biết gen có ảnh hưởng 80-90% sự tăng trưởng về chiều cao.

 

Tóm lại, những dữ liệu vừa trình bày cho thấy chiều cao trung bình hiện nay của cư dân vài thành phố lớn có thể đã đạt mục tiêu đề án đề ra cho năm 2020; nhưng nếu con số chiều cao của thanh niên (toàn quốc) mà đề án báo cáo là đúng và chính xác thì mục tiêu tăng 3,3cm qua thể dục và dinh dưỡng trong vòng bảy năm rất khó khả thi, tính khả thi còn có thể thấp hơn vì ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến chiều cao có thể tới 80 - 90%.

 

Trong thực tế, chiều cao của một dân tộc tăng theo phát triển kinh tế mà chẳng cần đến sự can thiệp. Khi kinh tế phát triển, thu nhập ổn định và gia tăng, người dân sẽ có điều kiện cải thiện chế độ dinh dưỡng, và chiều cao sẽ tăng dần. Đó cũng chính là xu hướng xảy ra tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

 

Theo Nguyễn Văn Tuấn

Sài Gòn tiếp thị