Nhập viện vì gia đình quá kỳ vọng vào thành tích học tập

(Dân trí) - Cường độ học tập căng thẳng do áp lực phải được vào trường chuyên, lớp chọn, nỗi sợ hãi không đáp ứng kỳ vọng của gia đình khiến nhiều học sinh phát bệnh.

Trường chuyên, lớp chọn là mục tiêu, điểm đến của rất nhiều bạn học sinh. Để thực hiện giấc mơ và đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ thì cường độ học tâp luôn tăng gấp đôi. Chính vì áp lực học tập quá đè nặng mà nhiều học sinh đã sớm phải làm bạn với giường bệnh.
 

Bệnh nhân Nguyễn Thị Quỳnh N. phải nhập viện vì áp lực 2 chị học giỏi

Bệnh nhân N.T. Q. phải nhập viện vì áp lực 2 chị học giỏi
 

Cô bé 16 tuổi N.T. Q. (16 tuổi, Hà Nội) hiện là bệnh nhân khoa 3, Bệnh viện tâm thần TƯ 1. N tâm sự: “Chị gái và em gái em học rất giỏi, chính vì vậy nên em luôn có cảm giác tự ti bởi vì mình là người học kém nhất nhà. Bố mẹ hay so sánh, nên em luôn bắt bản thân phải cố gắng học thật nhiều để bằng chị, bằng em, vì thế lúc nào em cũng có cảm giác áp lực lắm chị ạ”.

 

N. đang theo học lớp 10 tại một trường tư thục, chưa thi hết học kỳ 2, em phải bảo lưu kết quả để vào viện điều trị. N. đang theo học là lớp chọn Toán, Lý, Hóa, nên áp lực học khá cao, đặc biệt đối với một cô bé lực học trung bình như N. Để theo kịp tốc độ học cùng các bạn, N. đã phải học cả ngày lẫn đêm, không có thời gian nghỉ ngơi.

 

Khi các em căng thẳng, sự mệt mỏi kéo dài sẽ dẫn đến trạng thái trầm cảm, sang chấn tâm lý và tổn thương về tinh thần. Do cường độ học quá nhiều, N đã dần mất đi sự tỉnh táo. “Không đêm nào em ngủ được, chỉ biết ngồi khóc một mình. Học cũng không vào, trong người bứt rứt, chỉ muốn đập phá cái gì đấy”, N. cho biết.

 

“Em luôn trong tình trạng mất ngủ, bố mẹ em thì bận buôn bán luôn kêu em mới ít tuổi thì làm sao mất ngủ được. Chị gái thì bảo ngủ nhiều như thế còn kêu không ngủ được”, N kể thêm. Sự thờ ơ của gia đình có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. N cảm giác trống trải khi không nhận được sự quan tâm của mọi người, nên em đã rơi vào trạng thái trống rỗng, không làm chủ được bản thân, đập phá tất cả những gì mình nhìn thấy. N. lúc nào sợ hãi, hay khóc lóc, than vãn, mất ngủ triền miên vì lo lắng. Khi thấy con gái gầy yếu, suy nhược cơ thể, ăn nói lảm nhảm, đập phá nhiều, gia đình mới giật mình, đưa N. vào viện để chữa trị.

 

BS. Tạ Thị Ngân, Trưởng khoa 3, Bệnh viện tâm thần TƯ 1 cho biết: “Hậu quả xảy đến với các em ở đây do sự mong đợi của gia đình đặt vào các em quá lớn. Khi các em cố gắng học để đáp ứng được sự mong đợi đó đã rơi vào trạng thái trầm cảm, sang chấn tâm lý”.
 
Bệnh nhân V.Q.H. thì hóa điên vì bố mẹ quá kỳ vọng mà không đáp ứng được

Bệnh nhân V.Q.H. thì hóa điên vì bố mẹ quá kỳ vọng mà không đáp ứng được

 

Cũng giống N, V.Q.H. (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Em chỉ học hết lớp 9. Khi thi vào cấp 3, bố mẹ kì vọng vào em lắm, nhưng em biết mình không đủ sức thi được vào trường tốt, nên tâm lý lúc nào cũng căng thẳng. Cuối cùng em cũng không thi được vào trường nào. Em thấy mình vô dụng, chán nản, lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, áp lực, muốn bỏ nhà đi”.

 

Những câu chuyện buồn vì sự học luôn là nỗi ám ảnh đối với nhiều bạn học sinh hiện nay. Áp lực từ gia đình là một tác nhân ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tình cảm và cả sức khoẻ tâm thần của học sinh.

 

Bị trầm cảm, mắc chứng rối loạn tâm thần do áp lực học hành, thi cử đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với học sinh. Nếu không có cái nhìn đúng đắn và tích cực, các em rất dễ hành động sai lầm.

“Hậu quả stress học đường có ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt và học tập của các em. Các em trở nên rất khó tập trung trong học tập, học hành sa sút ở tất cả các môn bất chấp mọi nỗ lực cố gắng. Nặng hơn, trẻ có những hành vi bột phát, thiếu kiểm soát như bỏ học, phá rối, bỏ nhà, đánh nhau thậm chí tự sát hoặc trở nên loạn thần”. BS. Tạ Thị Ngân cho biết thêm.

 

“Con trẻ cần có gia đình ấm áp tràn đầy tình thương yêu, cần một tuổi thơ hồn nhiên trong sáng tự nhiên như nó vốn có, cần được chăm sóc sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần phù hợp với lứa tuổi. Gia đình phải hiểu đúng năng lực của con mình. Nhà trường phải phân loại học sinh để giúp đỡ. Bố mẹ đừng kỳ vọng quá lớn vào con”, BS. Tạ Thị Ngân nhấn mạnh.

 

Cha mẹ cần giúp trẻ vạch ra thời khóa biểu và cân đối thời gian hợp lí và hãy ủng hộ và động viên trẻ kịp thời, biết thông cảm và chia sẻ với con. Nếu phát hiện triệu chứng bệnh của con qua các biểu hiện như mất ngủ, thay đổi tính cách, hay thở dài, than phiền ngu đần, dốt, kém, dằn vặt thì đưa đi khám ngay, tránh những hậu quả đáng tiếc./.

 

Thanh Huyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm