1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhận dạng vết thương do rắn độc cắn

(Dân trí) - Tôi vừa có người nhà bị rắn độc cắn. Khi đưa tới viện, bác sĩ hỏi về loại rắn độc cắn nạn nhân nhưng quả thực vì khi đó cuống quá, chúng tôi còn chẳng kịp quan sát con vật.

Vậy xin bác sĩ hướng dẫn những tiêu chí cơ bản để nhận biết từng loại rắn độc? Nhiều người quê tôi khi bị rắn cắn lại cứ cho rằng rắn nước nên chủ quan, sau 1-2 tiếng thấy dấu hiệu ngộ độc mới vội đi cấp cứu. Vậy có thể nhận biết rắn độc cắn như thế nào? Xuân Phương (Lâm Thao, Phú Thọ)

BS Mai Văn Cường (Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai) trả lời:

Trước hết phải khẳng định, việc nhận diện được loại rắn độc cắn nạn nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị. Khi khẳng định được loại rắn độc cắn, thì việc điều trị theo đúng phác đồ (do mỗi loại rắn có nọc độc khác nhau, việc điều trị khác nhau), dùng đúng huyết thanh kháng độc sẽ hiệu quả nhanh hơn rất nhiều so với việc điều trị kiểu “nghi ngờ” loại rắn.
 
Vì thế, với nạn nhân, khi bị rắn cắn, nếu không bắt được thì cũng cố gắng quan sát xem con rắn đó như thế nào. Tập trung quan sát màu của con rắn, chiều dài con rắn, hai bên mang tai con rắn… Còn trong trường hợp bắt được rắn thì không nên đập nát đầu rắn vì đầu rắn là nơi để nhận dạng tốt nhất.
 
Ví như với rắn lục, khi bị rắn lục cắn gây chảy máu ghê gớm, đến mức bệnh nhân nôn ra máu, đi ngoài ra máu, nếu nhận biết đúng là rắn lục cắn và được sử dụng kháng huyết thanh ngay khi vừa vào viện, chỉ cần dùng khoảng 10 lọ huyết thanh là người bệnh không còn tình trạng chảy máu ồ ạt này.
 
Nhận dạng vết thương do rắn độc cắn - 1
Bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn đang điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải thở máy. (Ảnh: H.Hải)

Còn để nhận diện có đúng bị rắn độc cắn hay không thì mọi người cần rất chú ý theo dõi. Thường sau khi bị cắn sẽ có dấu răng của rắn trên vết cắn. Sau 1-2 giờ bị cắn thì vết thương sưng lên rất nhanh và sưng đau lan rộng. Xung quanh vết cắn có vết bầm tím lớn (hoại tử do độc tố của nọc rắn)… Còn rắn lục cắn thì gây chảy máu nhiều, còn nhóm rắn cạp nia, sau cắn bao giờ người bệnh cũng thấy đau rát họng, khó há miệng, chân tay không nhấc lên được, sau dần mới dẫn đến liệt cơ chi, liệt cơ hô hấp gây khó thở, suy hô hấp…

Tuy nhiên, không nên đợi đến khi có biểu hiện nêu trên mới sơ cứu vì sẽ rất nguy hiểm. Vậy nên, ngay khi bị rắn cắn, dù không biết đó là rắn gì, ta vẫn phải xử trí như đối với rắn độc. Bằng cách để bệnh nhân nằm im, hạn chế cử động, đặt chân tay thấp hơn tim, rửa vết cắn bằng dung dịch sát trùng rồi ngay lập tức đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

Hồng Hải (ghi)