1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguyên nhân gây vụ ngộ độc hơn 400 người ở Vĩnh Phúc

Minh Nhật

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc ngộ độc tập thể mới đây tại Vĩnh Phúc, đại diện Cục An toàn thực phẩm thông tin kết quả điều tra bước đầu.

Vụ ngộ độc tại Vĩnh Phúc: Phát hiện vi khuẩn trong canh chua

Liên quan đến vụ việc ngộ độc tập thể mới đây tại Vĩnh Phúc, đại diện Cục An toàn thực phẩm thông tin kết quả điều tra cho thấy, nhiều thực phẩm được bếp ăn tập thể mua ở đơn vị cung cấp, nhưng truy xuất đến cùng đơn vị cung cấp này lại mua ở chợ không có giấy phép, không kiểm soát được chất lượng.

"Kết quả điều tra cho thấy, phần chả lụa được cung cấp tại một công ty tại Hà Nội truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, truy xuất sâu hơn thì thịt lợn để làm chả lại được cơ sở mua tự do tại chợ không kiểm soát được.

Nguyên nhân gây vụ ngộ độc hơn 400 người ở Vĩnh Phúc - 1

Lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc thăm hỏi một nạn nhân trong vụ ngộ độc tập thể (Ảnh: CTV).

Bên cạnh đó, các món rau, hành, súp lơ, ớt chuông, rau mùi cũng được nhà cung cấp mua tại chợ dân sinh không có giấy phép kinh doanh, không có hợp đồng, phiếu giao nhận", vị này thông tin.

Theo ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, đến sáng 21/5 đã có kết quả kiểm nghiệm thực phẩm. Theo đó, phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu thức ăn. Đây là một trong những tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm ở người.

"Loại vi khuẩn này có 2 độc tố chính gây nôn và tiêu chảy. Chúng tôi cũng thấy phù hợp với các triệu chứng của các nạn nhân bị ngộ độc", ông Trung cho hay.

Cũng theo ông Trung, món ăn nghi gây ngộ độc là canh chua giá đỗ. Kết quả điều tra cho thấy, trong bữa ăn ngày hôm đó, trong quá trình chế biến bị thiếu 6kg giá đỗ nên nhân viên đã ra Chợ Vĩnh Yên mua thêm cho đủ số lượng.

Cơ quan chức năng hiện vẫn tiếp tục điều tra, truy xuất nguyên nhân vụ việc.

Những thông tin trên được cơ quan chức năng cung cấp tại "Hội nghị tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm" diễn ra sáng 21/5, tại Hà Nội.

Nạn nhân ngộ độc thực phẩm tăng hơn 200% so với cùng kỳ

Thông tin tại Hội nghị, Cục An toàn thực phẩm cho biết trong 5 tháng đầu năm, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng số nạn nhân ghi nhận lại tăng mạnh.

Nguyên nhân gây vụ ngộ độc hơn 400 người ở Vĩnh Phúc - 2

Hội nghị diễn ra vào sáng 21/5, tại Hà Nội (Ảnh: Minh Nhật).

Theo đại diện của Cục An toàn thực phẩm, so sánh trong các chu kỳ 5 năm: 2014 - 2018 và 2019 - 2023, tình hình ngộ độc thực phẩm có giảm.

Trong giai đoạn 2014 - 2018, trung bình hàng năm có 160 vụ ngộ độc lớn nhỏ. Trong khi đó giai đoạn 2019 - 2023, trung bình mỗi năm có 100 vụ lớn nhỏ. Tuy nhiên tình hình ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm 2024 lại cho thấy nhiều diễn biến phức tạp.

"Số vụ ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2023 (36 ca so với 40 ca năm 2023).

Nguyên nhân gây vụ ngộ độc hơn 400 người ở Vĩnh Phúc - 3

Bảng thống kê thông tin về vấn đề ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm 2023 và 2024 (Ảnh: Minh Trang).

Số ca mắc ghi nhận là 2.138 ca, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt có những vụ việc ghi nhận hàng trăm bệnh nhân như tại Vĩnh Phúc", Cục An toàn thực phẩm thông tin.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm nêu vấn đề nhức nhối từ các vụ ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Thống kê số vụ ngộ độc trong các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất trong 5 tháng đầu năm có đến 518 nạn nhân, so với 61 ca cùng kỳ năm 2023.

Ngộ độc thực phẩm đe dọa đến an sinh xã hội

Trước tình trạng các vụ việc ngộ độc thực phẩm gia tăng mạnh thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an sinh xã hội của một địa phương.

"Thời gian vừa qua xảy ra các vụ ngộ độc với số lượng nạn nhân rất lớn. Không chỉ sức khỏe, các vụ việc ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động sản xuất của doanh nghiệp", Thứ trưởng Tuyên nói.

Theo Thứ trưởng Tuyên, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của chúng ta được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và được sự vào cuộc rất tích cực của các bộ ban ngành.

Bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định nhưng còn 2 vấn đề cần xem xét.

Thứ nhất là thể chế như: Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15, các thông tư của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các văn bản pháp luật khác như hải quan và thuế.

"Tại sao trong thời gian qua vẫn xảy ra các vụ ngộ độc như Khánh Hòa, Đồng Nai. Phải xem thể chế có lỗ hổng nào không. Nếu chưa đầy đủ chúng ta kiến nghị, đề xuất", Thứ trưởng Tuyên chỉ ra.

Vấn đề tổ chức thực hiện ở cơ sở như thế nào? Tại sao khi xảy ra ngộ độc vào kiểm tra vẫn còn tình trạng cơ sở chưa có đủ giấy phép?

Nhức nhối thực phẩm "chợ trời" thâm nhập bếp ăn tập thể

Về nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm ghi nhận trong 5 tháng đầu năm, có 11 vụ do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật, 2 vụ do hóa chất, 6 vụ do độc tố tự nhiên, 17 vụ không xác định được nguyên nhân.

Cục An toàn thực phẩm chỉ ra có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến vấn đề ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp:

Về nguyên nhân khách quan:

- Ngộ độc thực phẩm là rủi ro rất khó để loại bỏ hoàn toàn. Ngay cả những nước lớn, phát triển trên thế giới hàng năm vẫn ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm.

- Một nguyên nhân quan trọng là do năm nay thời tiết nắng nóng bất thường, thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn bệnh đường ruột.

- Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm.

- Hiện nay khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp bất chấp nhập các thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc để tối đa lợi nhuận. Bên cạnh đó định mức khẩu phần ăn cho người lao động thấp, khó chọn được chất lượng thực phẩm cao.

- Nhận thức của các cơ sở còn thấp.

Về nguyên nhân chủ quan:

- Đã có quy định chặt chẽ về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở, con người nhưng việc thực hiện ở nhiều cơ sở chưa đảm bảo

- Một số cơ quan, cơ sở buông lỏng quản lý đặc biệt với hoạt động giám sát nguyên liệu đầu vào. Cơ sở dù được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng lại nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi cung cấp cho đơn vị, người dân.

- Nhiều nơi chưa phát huy được vai trò Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban phụ huynh trong công tác giám sát an toàn thực phẩm.

- Phối hợp liên ngành của các cơ quan chức năng chưa được tốt.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, về cơ bản thể chế có đủ nhưng việc thực hiện thể chế có vấn đề.

Qua kiểm tra các vụ ngộ độc thực phẩm, vấn đề lưu mẫu, kiểm thực, kiểm soát thực phẩm đầu vào không được thực hiện đúng quy định.

"Có tình trạng cơ sở cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể dù được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng lại đi mua thực phẩm trôi nổi ở bên ngoài. Có thể thấy vấn đề kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào đang rất nhức nhối", ông Phong nhấn mạnh.