Nguy kịch vì đắp lá chữa rắn cắn

(Dân trí) - Bé Nguyễn Quỳnh A (8 tuổi, Chí Linh, Hải Dương bị rắn màu xanh lá cây chắn vào bàn chân trái khi đang chạy nhảy trong vườn. Thay vì đưa con tới bệnh viện, gia đình lại đưa con đến thầy lang khám và uống, đắp thuốc lá…

Sau hai ngày bị rắn màu xanh lá cây cắn và được đắp lá nhưng bé A vẫn đau buốt nhiều tại vết cắn kèm theo sưng phù nề, gia đình mới chuyển bé lên Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) hôm 20/7.

Lúc này, vết cắn từ bàn chân đã sưng nề lan đến cổ chân trái, đau buốt nhiều hơn. Khi vào viện, tuy bệnh nhi vẫn tỉnh táo nhưng tình trạng ngộ độc nọc rắn đã rất nặng nề. Bệnh nhi bị rối loạn đông máu nặng, xét nghiệm đông máu tại giường sau 3 giờ máu không đông, rất nguy hiểm đến tình mạng. 

Khi nghe gia đình tả kỹ về con rắn đã cắn cháu, các bác sĩ đã hội chẩn, xác định bé bị rắn lục tre cắn nên đã quyết định dùng huyết thanh kháng nọc rắn cho cháu bé. Rất may mắn bệnh nhi này dù bị rối loạn đông máu nặng nhưng được điều trị kịp thời bằng huyết thanh kháng nọc rắn. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, tình trạng rối loạn đông máu toàn thân có thể gây chảy máu bất kỳ cơ quan nào mà không thể cầm được máu và sẽ tử vong. Mà để điều trị rắn lục tre cắn, phương pháp chủ yếu nhất vẫn là dùng huyết thanh kháng nọc rắn.
 
Bệnh nhi được dùng liên tục 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre, ngoài ra còn được điều trị tích cực bằng kháng sinh, các chế phẩm máu… Sau hai ngày điều trị, hiện tại tình trạng cháu bé đã ổn định, các xét nghiệm đông máu đã trở về chỉ số bình thường.
 
Các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ rắn độc cắn, cần đưa ngay người bệnh tới trung tâm y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời, không nên đắp lá bừa bãi vì chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy đắp lá, uống thuốc nam lại đẩy được nọc độc của rắn khỏi cơ thể.

Tú Anh