Nguy hiểm từ chất diệt côn trùng

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại chất tẩy rửa, diệt côn trùng. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cảnh báo nếu khách hàng sử dụng tùy tiện, không đúng cách sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Các sản phẩm tẩy rửa hiện có rất nhiều loại như: nước rửa chén, lau sàn nhà, lau bàn ghế, vệ sinh bếp, vệ sinh tủ lạnh, rửa kính, khử mùi... với đủ dạng lỏng, kem, bột, viên nén. Có cả loại sản phẩm đa năng vừa có tác dụng làm sạch vật dụng trong nhà, đồng thời có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng, đuổi côn trùng.

Hầu hết các sản phẩm này chỉ ghi trên bao bì với thành phần chung chung như: chất hoạt động bề mặt, hương liệu, màu, chất bảo quản hay phụ gia. Nhưng các nhà chuyên môn cho biết, mỗi hoạt chất dùng để sản xuất chất tẩy rửa có đến hàng trăm loại, trong đó đa số là những hóa chất độc hại không an toàn cho người sử dụng, nhất là các sản phẩm không nhãn hiệu, hoặc nhãn hiệu tự đặt, được đóng gói trong chai nhựa, can nhựa.

Ông Dũng ở quận 3, TPHCM có thâm niên trên chục năm trong nghề pha chế chất tẩy rửa, tiết lộ: Nguyên liệu mua từ chợ Kim Biên, TP HCM với giá 50-120 nghìn đồng (đối với chất hoạt động bề mặt), tùy loại và tùy phụ gia chất nền; giá hương liệu khoảng 10.000 đồng/100 gam. “Với ngần ấy nguyên liệu có thể pha chế được khoảng 200 lít chất tẩy rửa, bán giá 2.000 đồng/lít là có lãi”, ông Dũng khoe. 

Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó trưởng Khoa Công nghệ Hóa học Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, chất hoạt động bề mặt là thành phần chính trong sản phẩm tẩy rửa. Xu hướng trên thế giới hiện nay người ta sử dụng những chất phân hủy sinh học. Tuy nhiên, những chất này có giá thành rất đắt, nên các nhà sản xuất trong nước ít sử dụng mà thường sử dụng các loại hóa chất độc hại, khi thải ra môi trường sẽ phá hủy hệ sinh thái.

Đối với người sử dụng trực tiếp thường bị khô da do bị thẩm thấu, gây đột biến da, da bị mỏng. Trường hợp nặng có thể bị ung thư da, do tế bào da bị phá hủy. Khi tiếp xúc với ánh sáng, quá trình phá hủy da nhanh hơn. Đối với các chất phụ gia, màu, hương liệu... dùng để sản xuất các chất tẩy rửa, khử mùi nếu sử dụng không đúng loại an toàn còn độc hại hơn cả chất hoạt động bề mặt...

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất sẽ xảy ra nhiều phản ứng hóa học phát sinh độc tố mới, có hại cho người sử dụng. Vì vậy, nếu sau khi sử dụng, vệ sinh không kỹ, các chất tẩy rửa này còn lưu trên vật dụng trong gia đình sẽ rất nguy hại đến sức khỏe những người tiếp xúc, nhất là trẻ em.

Tiến sĩ Phạm Thành Quân còn cảnh báo: Đối với sản phẩm tẩy rửa có thêm tác dụng diệt khuẩn, đuổi côn trùng do sử dụng hợp chất clo, hợp chất peroxit có tính độc cao nên sẽ gây hại đến đường hô hấp, da. Các chất phụ gia khử mùi thường mang tính độc, chất ôxy hóa và chất khử, các chất này gây hại đường hô hấp, gây thiếu ôxy làm cho người sử dụng khó chịu, bị ngộp, khô cổ, gây choáng váng.

Đối với các sản phẩm diệt muỗi, côn trùng dưới dạng dung dịch xịt, kem, dạng bột, dạng viên phấn, ngoài các loại sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, trên thị trường đang có rất nhiều loại hàng của Trung Quốc được nhập trôi nổi cũng như những sản phẩm do một số cơ sở nhỏ.

Các cơ sở làm ăn không đàng hoàng thường sử dụng cả hợp chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm phốt pho hữu cơ, carbamate, cũng như các loại thuốc trừ sâu khác để pha chế thành thuốc xịt muỗi, diệt côn trùng.

Các sản phẩm nhang trừ muỗi kém chất lượng bị tẩm các loại thuốc trừ sâu gốc clo hữu cơ có tính độc hại cao, thậm chí người ta còn sử dụng cả hóa chất gây cháy như carclorate, kể cả thuốc súng, để nhang cháy tốt hơn nên khi cháy sẽ tạo ra lưu huỳnh độc hại.

Loại phấn diệt kiến, gián kém chất lượng được sản xuất rất đơn giản: sử dụng phấn viết nhúng vào thuốc trừ sâu rồi vô bao, đóng gói rồi tung ra thị trường tiêu thụ.

Ông Ngô Văn Đát, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Thuốc sát trùng VN, cho biết, các sản phẩm xịt muỗi, nhang trừ muỗi do các đơn vị sản xuất có đăng ký với cơ quan chức năng thường sử dụng nguyên liệu thuộc họ pyrethrine (cúc tổng hợp) hay còn gọi là nhóm pyrethroide đã được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng.

Các hoạt chất này khi tiếp xúc với môi trường sẽ bị ôxy hóa chuyển thành các chất khác ít độc hại. Phụ gia làm nền được sản xuất từ bột cây, bột keo, bột gáo dừa có tác dụng cháy tốt mà an toàn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: Người tiêu dùng không nên lạm dụng mà phải biết cách sử dụng, nhất là đối với trẻ em.

Theo Người Lao Động