Nguy cơ từ bệnh võng mạc trẻ đẻ non
(Dân trí) - BS.TS. Nguyễn Xuân Tịnh, Khoa Mắt Trẻ em, BV Mắt T.Ư cho biết, nhiều trẻ sinh non được cứu sống, nhưng lại bị mù cả hai mắt vĩnh viễn do bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP) không được điều trị.
Dễ mù cả hai mắt
Tại Hội thảo quốc tế “Bệnh võng mạc trẻ đẻ non” diễn ra trong hai ngày, 3- 4/10 tại Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Tịnh, BV Mắt T.Ư cho biết, tỷ lệ mắc ROP ở ta tương đương các nước trong khu vực nhưng cao hơn nhiều so với ở các nước đã phát triển do ở ta thiếu thốn về trang thiết bị và máy móc để chăm sóc và hồi sức sơ sinh.
Ở TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là 45,8% còn tại Hà Nội, theo nghiên cứa của TS Tịnh và cộng sự, trẻ có cân nặng khi sinh dưới hoặc bằng 2.000g là 37,8% và tỷ lệ cần điều trị là 24,1%.
Theo BS Tịnh, bệnh này hay gặp ở trẻ đẻ non là vì trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc (võng mạc là màng mỏng lót mặt trong thành nhãn cầu giúp ta nhìn thấy) xuất phát từ phần trung tâm phía sau rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc vào lúc cháu bé được đủ tháng. Ở trẻ đẻ non, quá trình này chưa hoàn thành. Sau khi cháu bé được sinh ra, nếu các mạch máu tiếp tục quá trình phát triển bình thường thì trẻ không mắc bệnh. Nếu các mạch máu phát triển một cách bất thường trẻ sẽ mắc bệnh.
Trước kia, khi nước ta chưa có chương trình khám sàng lọc và điều trị ROP, trẻ thường chỉ được đưa đến khám khi đã bị mù cả 2 mắt. Khi đó, bác sĩ cũng bó tay, không thể giúp trả lại ánh sáng cho bé, bé bị mù vĩnh viễn.
ROP khi ở giai đoạn sớm thì nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được bệnh. Nhìn bề ngoài, mắt bé hoàn toàn bình thường. Còn khi đã biểu hiện ra ngoài thì đã ở giai đoạn quá muộn. Vì thế, để phát hiện sớm bệnh, điều trị hiệu quả cần phải cho bé khám sàng lọc với bác sĩ chuyên khoa mắt sau sinh.
Phòng ngừa bằng cách khám sàng lọc trẻ đẻ non
Tuy là bệnh lý nguy hiểm nhưng căn bệnh này hoàn toàn có thể được phòng ngừa nhờ khám sàng lọc. Tại Việt Nam, nhờ chương trình khám khám sàng lọc và điều trị ROP được triển khai từ năm 2001 đã giảm phát hiện và điều trị kịp thời cho nhiều trẻ bị ROP. Hiện chương trình đã được mở rộng ra các thành phố lớn như Hải phòng, Thái nguyên, Đà nẵng, sắp tới là Huế, Nghệ An nhưng chỉ có Hà Nội và TP HCM có thể điều trị căn bệnh này.
Với những trẻ có nguy cơ cao bị bệnh, lần khám mắt đầu tiên cần được thực hiện khi trẻ được 3 - 4 tuần sau đẻ, ngay khi cháu còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh và cả khi cháu đã được về nhà.
Với những cháu phát hiện sớm hoặc bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình, việc điều trị mang lại hiệu quả tích cực, đạt tới 90 - 95% với phương pháp laser. Còn nếu bệnh nặng, tỷ lệ thành công đạt khoảng 65%.
Vì thế, theo TS Tịnh, việc sàng lọc ROP ở Việt nam cần thực hiện ở tất cả những trẻ có cân nặng khi sinh ≤ 2.000g và tuổi thai khi sinh ≤ 34 tuần tuổi. Với những trẻ có cân nặng khi sinh > 2.000g và tuổi thai khi sinh ≤ 34 tuần nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng... cũng cần phải được khám mắt. Cách phòng tốt nhất là quản lý thai nghén tốt để hạn chế bị đẻ non. Còn khi đã bị đẻ non mà cân nặng thấp thì cần phải tuân thủ chế độ khám mắt cho bé, không chủ quan khi thấy mắt bé bề ngoài có vẻ bình thường.
Hồng Hải