Nguy cơ tổn thương võng mạc ở thai phụ cận thị
(Dân trí) - Sau khi sinh con được gần tháng, chị Hoa (Xuân Đỉnh,Hà Nội) thấy mắt mình mờ đi rõ rệt dù vẫn đeo kính cận. Nghĩ là do sau sinh đã xem ti vi, đọc nhiều báo nên bị mỏi mắt, mờ mắt... nhưng đi khám cô mới biết võng mạc có nhiều điểm suy yếu.
Bệnh khó nhận biết
Bệnh bong võng mạc là căn bệnh nguy hiểm diễn tiến rất âm thầm, khó nhận biết. Đôi khi bệnh lý này có một số biểu hiện như nhìn mờ, thị lực giảm nhanh chóng, nhưng thường không có biểu hiện gì rõ ràng, chỉ khi đi khám bác sĩ mới phát hiện những điểm yếu trên võng mạc.
Theo BS Hoàng Cương, khoa Khám bệnh, bệnh viện Mắt TƯ, thai phụ đi khám tại viện đều được kiểm tra võng mạc và điều trị ngay khi thấy xuất hiện các điểm suy yếu. “Tuy chưa có thống kê cụ thể con số bệnh nhân là phụ nữ bị cận thị gặp biến chứng bị bong võng mạc nhưng tỷ lệ này cao hơn nhiều lần trên sản phụ bị cận thị nặng từ 6 đi-ốp trở lên đang mang thai trên 30 tuần, đặc biệt là khi sinh nở, phải chuyển dạ dài, gắng sức”, BS Cương cho biết. Nguyên nhân cũng là do những sự biến đổi, tác động trong thời kỳ mang thai đến võng mạc vốn yếu của bệnh nhân. Mặc dù BS Cương chưa gặp trường hợp thai phụ hay sản phụ nào bị bong võng mạc dẫn tới mù lòa, nhưng không phải không có những trường hợp bệnh nhân rất chủ quan.
Như trường hợp của bệnh nhân Liên Quỳnh ở Cầu Giấy, Hà Nội. Khi mang thai đến tháng thứ 8, chị thấy mắt có hiện tượng mờ, đến mức nhiều lần đang đi xe máy trên đường, chị phải đột ngột dừng lại vì cảm giác “bỗng dưng” không nhìn thấy gì. Khi được những người xung quanh đưa vào viện gần đó, chị lại trở lại trạng thái như bình thường. Nghĩ cặp kính dày 6,5 đi ốp của mình có vấn đề, nên chị mới tới phòng khám để đo lại mắt kính. Tại đây, chị đã được khuyên tới ngay bệnh viện vì trên võng mạc của chị xuất hiện rất nhiều điểm suy yếu. Dù đã được xử lý những tổn thương võng mạc bằng phương pháp laze quang đông cả hai mắt, nhưng đến kỳ sinh nở, các “mối hàn” này chưa chuyển biến tốt nên bệnh nhân vẫn phải chỉ định sinh mổ. Nhưng đáng lo hơn cả là nguy cơ bong võng mạc của sản phụ này vẫn phải tiếp tục theo dõi, chưa thể khẳng định đã cứu được đôi mắt của bệnh nhân do các điểm suy yếu trên võng mạc khá nặng nề.
TS Marina pozhidaeva đang khám mắt cho một thai phụ bị cận thị (Ảnh: Mai Mai)
Đi khám mắt ngay khi có thai
Quá trình điều trị dự phòng bằng laser quang đông mất khoảng 15 phút và có thể thực hiện kỹ thuật này tại nhiều bệnh viện có chuyên khoa mắt.
Sau điều trị dự phòng bằng laser quang đông, bệnh nhân sẽ được nhỏ một số thuốc đặc biệt chống viêm. Đồng thời người bệnh không được cúi thấp đầu trong vòng 2 tuần liên tiếp và vẫn đeo kính như bình thường (đây là thời điểm những mối hàn đang được phục hồi), không mang vác nặng, không tác động mạnh lên vùng mắt và nên đeo kính râm khi ra ngoài nắng. |
“Bệnh nhân cận thị khi mang thai cần được theo dõi mắt ngay từ những tháng mang thai đầu tiên, khám lại theo chỉ định của bác sĩ để kịp thời được điều trị dự phòng hiện tượng bong tróc võng mạc. Hơn nữa trên phụ nữ mang thai, bác sĩ mắt khám vùng võng mạc cũng thể phát hiện những bệnh lý khác như huyết áp, thận, tim...”, TS Marina pozhidaeva khuyên.
“Không chỉ những “bà bầu” cận thị cần phải đi khám mắt trong quá trình thai nghén, mà những người mang thai có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường... cũng cần khám mắt trong quá trình mang thai để kịp thời phát hiện, điều trị những bệnh lý liên quan đến suy yếu võng mạc trên nền các bệnh nhân này”, BS Cương nhấn mạnh.
Hồng Hải