Nguy cơ dịch bệnh từ việc nhập trâu bò sống về giết mổ

(Dân trí) - “Nhập hàng nghìn con trâu, bò sống về giết mổ như Việt Nam là rất hiếm” là ý kiến của ông Lê Bá Lịch – chuyên gia nông nghiệp cao cấp, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam khi nói về những hạn chế, yếu kém của ngành chăn nuôi nước ta trong thời gian vừa qua.


Ông Lê Bá Lịch cho rằng việc nhập hàng nghìn con trâu, bò sống về giết mổ là việc rất hiếm đối với nhiều quốc gia trên thế giới (ảnh minh họa internet).

Ông Lê Bá Lịch cho rằng việc nhập hàng nghìn con trâu, bò sống về giết mổ là việc rất hiếm đối với nhiều quốc gia trên thế giới (ảnh minh họa internet).

Ông Lê Bá Lịch cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi là hai chân song hành hỗ trợ cùng phát triển. Nhưng nhiều năm nay quỹ đất chỉ dành phân bổ cho trồng lúa gạo, cà phê, cao su, cây ăn quả, hạt điều, trồng rừng,.. không dành đất trồng cây thức ăn gia súc, trồng cỏ nuôi bò,…

Trong khi ngành chăn nuôi hàng năm sản xuất ra khối lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa trị giá trên 15 tỷ USD (số liệu năm 2014), đủ nguồn thực phẩm tươi sống cung cấp cho hơn 90 triệu dân, tiện ích cho tập quán tiêu thụ nội địa của dân tộc hàng nghìn năm, giải quyết cho hàng triệu lao động nông nghiệp.

Đến năm 2014 sản xuất thịt đạt 34,2 kg thịt xẻ/người/năm, đứng sau Trung Quốc (55kg), Brunei (50kg), Malaysia (58kg); ngang với Thái Lan (34,6kg); hơn nhiều nước trong khối Asean; trên mức bình quân các nước Đông Nam Á (2011: 27,4kg), châu Á (29,5kg); dưới mức bình quân Thế giới (2011: 42kg).

Theo thống kê của Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO) năm 2011, cơ cấu tiêu thụ thịt đỏ (trâu, bò, dê, cừu,…) của nước ta còn quá thiếu, chỉ có 9,3% tổng số thịt tiêu thụ trong nước; tiêu thụ thịt gia cầm 17,5%; Việt Nam chủ yếu tiêu thụ thịt lợn 73,3%. Trong khi ở Lào tiêu thụ thịt trâu, bò chiếm 33,6% tổng số thịt tiêu thụ. Tương tự ở Campuchia 32%, Myanma 22,7%,…

Ông Lê Bá Lịch cho biết, một điều đáng suy ngẫm và cũng đáng buồn của ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian qua là: Mười lăm năm trở lại đây, việc chỉ đạo phát triển trâu, bò thịt (sau khi kết thúc chương trình cải tạo đàn bò vào Việt Nam năm 2000) và phát triển đàn thủy cầm rơi vào quên lãng. Trâu lợi thế sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Bò lợi thế phát triển ở các huyện miền núi, trung du khu 4, khu 5. Còn vịt lợi thế gắn với vùng trồng lúa nước phát triển ở đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, các huyện đồng bằng ven biển khu 4, khu 5.

“Con vịt được ví như cái máy di động đi nhặt sâu bọ, con ốc, con sên, thóc rơi vãi trong mùa thu hoạch, làm sạch đồng ruộng. Nghề nuôi ngan, vịt là nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong chăn nuôi nhưng lại chưa có chính sách khuyến khích phát triển lại bị đe dọa, hủy diệt, cấm đoán với lý do thiếu thuyết phục: “nó là con vật mang và truyền mầm dịch cúm gia cầm”, ông Lịch nói.

Vị chuyên gia nông nghiệp cao cấp này lập luận tiếp, đã là con vật, con nào cũng có mầm bệnh, vấn đề là phòng bệnh, chống bệnh như thế nào? Trong khi lo chuyện phòng dịch lại cho nhập vài trăm nghìn con bò sống từ Úc, Lào, Campuchia,…về giết mổ tại Việt Nam (thế giới hiếm có tiền lệ) mà không sợ những con bò này mang mầm bệnh lở mồm, long móng,… vào nước ta.

“Từ xưa tới nay rất ít, rất hiếm có nước nào trên Thế giới cho nhập đàn vài trăm nghìn con trâu, bò sống vào lãnh thổ nước mình để giết thịt. Nếu cứ tùy tiện điều hành đất nước kiểu như này thì đến bao giờ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam mới khống chế được dịch bệnh nguy hiểm?”, ông Lê Bá Lịch bày tỏ băn khoăn.

Nguyễn Dương