Nguy cơ dị ứng... với điện thoại di động
(Dân trí) - Nếu bạn từng thấy mình bị ngứa, mẩn đỏ hoặc sưng ở gò má, hàm hoặc bàn tay thì có thể bạn đang bị dị ứng với kim loại ở điện thoại di động.
Từng bị buộc tội là đốt nóng não; gây lệch lạc về tư thế và phá hủy sự trong sáng của ngôn từ, giờ đây các nhà khoa học đang cáo buộc rằng điện thoại di động cũng có thể làm da phát ban.
Nghiên cứu mới đây cho rằng các kim loại kền, crôm và cô-ban có mặt trong nhiều điện thoại thuộc những thương hiệu phổ biến có thể gây kích ứng da. Kể từ năm 2000 các nhà nghiên cứu Đan Mạch và Mỹ đã thấy có ít nhất 37 trường hợp viêm da tiếp xúc do điện thoại di động.
Với dị ứng kim loại, triệu chứng có thể gồm những đám da khô ngứa trên mặt hoặc tai, đỏ da, nổi mụn và đôi khi chảy dịch.
Phần lớn bệnh nhân bị ở da mặt, mặc dù cũng có trường hợp bị ở bàn tay hoặc đùi.
Một thiếu nữ 17 tuổi ở Pháp đã bị nổi mẩn đỏ ở ngực sau khi cất điện thoại di động trong áo chíp.
Đa phần dị ứng xảy ra sau khi sử dụng điện thoại di động liên tục 30 phút hoặc sử dụng hơn 1 giờ trong suốt cả ngày.
Các bác sĩ cần biết rằng nhiều loại điện thoại có kền và cô-ban ở thân máy, viền màn hình hoặc các phím, có thể gây phản ứng dị ứng.
Trẻ em và trẻ vị thành niên dễ có nguy cơ hơn vì chúng mẫn cảm hơn với kền. Trẻ em dưới 18 tuổi chiếm 40% số bệnh nhân phải điều trị.
Tỷ lệ trẻ vị thành niên sử dụng điện thoại di động đang gia tăng và dị ứng với kền (ni-ken), tác nhận gây dị ứng kim loại phổ biến có mặt trong điện thoại di động - là hay gặp nhất ở các trẻ được làm test dán da.
Với tình hình điện thoại thông minh ngày càng được sử dụng nhiều, không chỉ gồm các chức năng của điện thoại mà còn cả e-mail, soạn thảo văn bản, internet và chơi game, rất có thể bệnh viêm da do điện thoại di động sẽ ngày càng tăng trong giới trẻ.
Các chuyên gia da liễu khuyên nên dùng vỏ nhựa để bọc điện thoại hoặc tai nghe không dây. Một cách khác là sử dụng loa ngoài hoặc chuyển sang dùng những loại máy không có kim loại trên bề mặt tiếp xúc với da.
Cẩm Tú
Theo Telegraph