1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguy cơ bùng phát dịch tả ở làng “nhấp nhô”

(Dân trí) - Nhiều người dân ở xã Hữu Bằng, (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã xây được nhà cao, mua ô tô “xịn”. Tuy nhiên, giống như bao người làng khác, hễ có “nỗi buồn” thì vẫn cứ chạy ra đồng hoặc mé hồ, ao mà giải quyết.

Người thành phố vẫn phải ra đồng

Kể từ khi xã Hữu Bằng (tỉnh Hà Tây cũ) thuộc về Thành phố Hà Nội, nếp nghĩ của người dân ở xã đã ít nhiều bị tác động khi ngày 6/8, lần đầu tiên đoàn thanh tra liên ngành tổ chức đợt kiểm tra tình hình dịch bệnh và khảo sát môi trường ở đây.

Nghe tin có đoàn y tế về kiểm tra môi trường ổ dịch, công tác dọn vệ sinh ở xã này đã được tăng cường đột biến. Những chiếc xe hút bể phốt nằm hoen rỉ lâu ngày được huy động tối đa. Ngay sát cổng ra vào khu di tích đình chùa xã Hữu Bằng, hai nhân viên thu dọn vệ sinh đang tích cực thu gom rác rưởi từ đống bùn đen kịt, nhớp nhúa vừa được vớt từ dưới ao Sen lên. Bùn mới được moi, bốc thứ mùi hôi thối nồng nặc khiến tất cả những người đứng gần đó nôn nao.

Bà Phan Thị Nhỡ (77 tuổi ở thôn Đông) cho biết: “gọi là ao Sen đấy (ao trồng sen), nhưng thực chất đây là nơi chứa nước thải, chất thải của cả làng. Ao ô nhiễm lắm, đến bèo còn chẳng sống nổi nữa là sen. Sau đợt dịch, thấy cán bộ chính quyền xã có đôi lần nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh nhà cửa nhưng chưa thấy “ông” nào quan tâm đến vệ sinh chung ở các hồ, ao thu gom rác thải hằng ngày…”.

Lý giải về việc này, một cán bộ xã cho biết, Viện Vệ sinh tễ T.Ư và TT Y tế dự phòng Hà Tây (trước đây) đã lấy mẫu nước ao Sen này xét nghiệm cho kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả nên dịch không lây lan được (!?).

Còn theo phân tích của ông Trịnh Duy Ứng, Giám đốc TT Y tế huyện Thạch Thất, nguyên nhân dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bùng phát là do người dân vẫn có thói quen đi “giải quyết” nhu cầu ngoài đồng. Mặc dù ở Hữu Bằng, có đến 90% hộ gia đình làm nghề kinh doanh, buôn bán và làm nghề mộc với mức thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng/tháng nhưng rất ít hộ gia đình có nhà vệ sinh.  Số ít những gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh thì lại tìm cách thoát nước thải, chất thải vào thẳng cái ao Sen của làng. Còn những gia đình không có nhà tiêu thì sẵn sàng cưỡi xe máy, thậm chí đánh cả ô tô cho cả nhà ra đồng giải quyết "nhu cầu".

Sáng sớm ra đồng sẽ thấy lố nhố rất nhiều bà con đang vui vẻ giải quyết “nỗi buồn” một cách hồn nhiên.

Một quy định bất thành văn đã được những người dân này thực hiện khá nghiệm túc: Ở khu vực gần thì trẻ con, người già; khu giữa thì những người trung tuổi, còn xa hơn tí nữa thì trai gái trẻ. Giấy chùi thì cứ việc vứt lại nên dần khiến cánh đồng trắng xoá. Cũng chính vì điều này xã Hữu Bằng lâu nay vẫn được mệnh danh là “làng nhấp nhô”.

Dịch tả từ đâu ra?

Tại nhà bệnh nhân Phan Ích T, thôn Đồng Bàn- một trong những bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả đầu tiên được phát hiện ở xã, thấy đoàn kiểm tra vào hỏi thăm, anh T. ngượng nghịu gãi tai thú nhận: “Nhà vẫn chưa có khu vệ sinh nên việc giải quyết “nỗi buồn” vẫn “thiên nhiên” ở ngoài đồng".

Nguyên nhân được anh này đưa ra là: “Đến nước ăn còn thiếu nói chi đến nước cho nhà vệ sinh. Nhà cũng có giếng đào nhưng không có nước. Nhiều gia đình ở trong xóm khoang giếng, nhưng sâu tới hơn 30 - 40m mà cũng không có nước…”.

Trên thực tế, hiện này nhà máy nước ở xã Hữu Bằng chỉ cung cấp nước cho khoảng 50% hộ dân. Số hộ còn lại phải dùng nước giếng khoan và mua nước với giá 30.000/m3. Để tiết kiệm, nhiều nhà vẫn phải lấy nước từ chiếc giếng cạn ngay cạnh cái ao Sen về sử dụng hằng ngày.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thiếu nhà vệ sinh đang là tình trạng chung ở Hà Tây cũ hiện nay. Theo thống kê, cả tỉnh chỉ có 30% gia đình không có nhà vệ sinh hoặc có nhưng không đạt chuẩn. Bên cạnh nguyên nhân thiếu đất, thiếu nước, việc nhiều hộ dân chưa xây nhà vệ sinh còn do họ chờ xây nhà rồi xây nhà vệ sinh luôn.

Có thể thấy, đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến trong đợt bùng phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm mới xảy ra, xã Hữu Bằng, được coi là một ổ dịch lớn với 229 người mắc tiêu chảy cấp, 30 trường hợp mắc tả.

Thực tế khó chối cãi là với điều kiện sống và thói quen vệ sinh bừa bãi của nhiều người dân ở xã Hữu Bằng như hiện nay thì chuyện dịch tả quay lại là điều khó tránh khỏi.

P.Thanh- T.Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm