Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng
(Dân trí) - Theo thông tin từ Sở Y tế nhiều tỉnh ĐBSCL, Khánh Hoà... cho biết, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng hiện đang gia tăng và có chiều hướng diễn biến khá phức tạp khi vào mùa mưa và ngày tựu trường năm học mới.
Tỉnh Tiền Giang, theo tống kê của ngành y tế tỉnh cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 2.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Các địa phương có số ca mắc nhiều (trên 300 ca) như TP Mỹ Tho, huyện Cai Lậy, Châu Thành…
Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh, dịch bệnh SXH sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới. Trước tình hình này, UBND tỉnh Tiền Giang đã có công văn yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác phòng chống bệnh. Ngành y tế cũng đã khuyến cáo người dân cần cảnh giác đề phòng, thực hiện nhiều biện pháp xử lý như vệ sinh môi trường xung quanh chỗ ở, diệt lăng quăng, bảo vệ trẻ ngủ về đêm…
Một cán bộ ngành y tế cho biết, người nhà khi phát hiện con em mình bị sốt liên tục 2- 3 ngày kèm theo một số triệu chứng như chảy máu cam, đau bụng…thì cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để khám.
Từ đầu năm đến nay, số ca bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, gần 600 ca. Hai tháng vừa qua, mỗi tháng có hàng trăm ca bệnh phải nhập viên điều trị, có cả người lớn và trẻ em, có nhiều ca nặng nguy cơ tử vong cao.
Theo ngành y tế Vĩnh Long, hiện do mùa mưa đến là “điều kiện tốt nhất” cho bệnh SXH hoành hành khiến cho dịch bệnh có chiều hướng phức tạp trong thời gian tới. Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, Trung tâm đã có gửi khuyến cáo về các địa phương để tuyên truyền cụ thể đến người dân. Bà con nên tuân thủ các biện pháp mà ngành y tế đưa ra để có biện pháp phòng chống hiệu quả, một cán bộ y tế tỉnh cho hay.
Theo ghi nhận của PV, dù các biện pháp đã được ngành y tế triển khai nhưng nhiều người dân vẫn còn chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh SXH. Nhiều người dân ở nông thôn vùng sâu, vùng xa vẫn còn khá chủ quan và xử lý chưa triệt để các biện pháp khiến cho dịch bệnh có “cơ hội” lây lan và bùng phát nhanh.
Ngoài tuyên truyền, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, đây được xem là mầm mống chủ yếu gây bệnh SXH. Ngành y tế cho rằng người dân không nên chủ quan, nên tích cực thực hiện biện pháp này ngay tại nơi ở và môi trường xung quanh.
Cũng theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, ngoài dịch bệnh SXH thì bệnh tay chân miệng (TCM) cũng tăng cao trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê, số ca bệnh TCM từ đầu năm đến nay lên trên 900 ca. Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, số ca bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Thời gian này cũng là vào mùa tựu trường nên tình hình bệnh có nguy cơ diễn biến thất thường, ngành y tế tỉnh khuyến cao người dân cần tích cực chủ động bảo vệ chăm lo con em mình khi đến lớp học.
Qua thống kê của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có trên 300 ca mắc bệnh SXH và hơn 800 ca mắc bệnh TCM, riêng TP Vị Thanh có trên 160 ca và đang có xu hướng gia tăng.
Cũng như nhiều địa phương khác, tình hình dịch bệnh SXH và TCM ở Hậu Giang cũng đang có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã tích cực chỉ đạo các địa phương giám sắt chặt các loại dịch bệnh này. Tuy nhiên do ý thức người dân còn chủ quan nên việc phòng chống bệnh chưa triệt để khiến xảy ra nhiều ca mắc bệnh mới.
Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh cũng khuyến cáo người dân thực hiện ngay và liên tục các biện pháp như diệt lăng quăng, muỗi, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, không để tụ đọng nước ngay trong nhà và môi trường xung quanh; khuyến cáo người dân chủ động vệ sinh thân thể con em nhỏ, nhất là các em đang tuổi đến trường học mẫu giáo, lớp 1…
Tại tỉnh Long An, tình hình dịch bệnh SXH và TCM cũng có chiều hướng phức tạp. Vừa mới đây, ngành y tế tỉnh cũng đã tổ chức công tác truyền thông tại các huyện vùng sâu để nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo ngành y tế và các cơ quan chuyên môn thì các bậc phụ huynh cần chú trọng việc vệ sinh thân thể, thường xuyên rửa tay chân của các em nhỏ, đây được xem là một trong những biện pháp để phòng, chống dịch bệnh TCM có hiệu quả.
Còn tại Vạn Ninh (Khánh Hoà), 3 tuần qua bệnh SXH trên địa bàn huyện tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng gia tăng.
Theo thống kê đến nay trên địa bàn huyện có 359 ca mắc bệnh SXH, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tuần có 30 trường hợp nhập viện do SXH.
Dịch tập trung chủ yếu tại 3 xã cánh bắc của huyện gồm: xã Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Long với tốc độ lây lan khá nhanh.
Điều đáng nói, đa số người bệnh rất chủ quan trong việc điều trị, chỉ khi bệnh nặng mới chuyển đến cơ sở y tế. Tại xã Vạn Long, một trong 3 địa phương có người mắc bệnh SXH cao nhất huyện, ý thức phòng, chống dịch của một số người dân còn rất hạn chế, đây là điều kiện góp phần làm gia tăng số ca mắc bệnh SXH tại địa phương.
Theo nhận định của ngành y tế huyện Vạn Ninh, bệnh SXH trên địa bàn huyện có thể tăng cao trong thồ gian tới, đỉnh điểm là vào tháng 10 và 11. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng bùng phát trên diện rộng, UBND huyện Vạn Ninh đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế huyện tập trung giám sát dịch và có kế hoạch phun thuốc diệt muỗi tại những điểm nóng, nhằm khống chế dịch bệnh.