Nguy cơ bị bệnh không lây nhiễm
Ở Việt Nam, trong khi các bệnh truyền nhiễm đang từng bước được đẩy lùi thì các bệnh không lây nhiễm lại ngày càng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng do thay đổi lối sống, ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng không hợp lý...
Các bệnh không lây nhiễm chủ yếu ở Việt Nam hiện nay là:
- Các bệnh tim mạch: Nhiều nhất là tăng huyết áp (tỷ lệ tăng huyết áp trong cộng đồng khoảng 16%), các bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim...
- Ung thư: Hay gặp nhất là ung thư phổi, dạ dày, gan, vú, tử cung, vòm họng, đại trực tràng... ước tính ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 100.000 – 150.000 ca mới mắc và 75.000 trường hợp chết do ung thư.
- Bệnh đái đường: Tỷ lệ mắc trong cộng đồng khoảng 4%.
- Rối loạn tâm thần: Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần chung trong nhân dân khoảng 10%, rối loạn tâm thần có nhiều loại khác nhau, hay gặp là: Trầm cảm – 4,6%, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (10 đến 17 tuổi) – 3,7%, loạn thần do rượu – 0,21 đến 3%, động kinh...
Các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm cho chúng ta mắc các bệnh không lây nhiễm nhưng chủ yếu là do lối sống thay đổi theo chiều hướng có hại cho sức khỏe như:
Hút thuốc lá:
- Là nguyên nhân gây nên > 30% tổng các loại ung thư, chủ yếu là: ung thư phổi, thanh quản, thực quản, miệng, vòm họng, thận, tụy, dạ dày.
- Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ... và bệnh đái tháo đường.
- Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, hen phế quản...
- Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và trẻ em.
- Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người hút mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh, thậm chí những người xung quanh còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn (hút thuốc lá thụ động).
Uống nhiều rượu bia:
- Làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, đái đường, đau dạ dày...; ung thư gan, dạ dày, đại tràng, miệng, thực quản, thanh quản...
- Lạm dụng rượu dễ dẫn đến rối loạn tâm thần: ảo giác, hoang tưởng, rối loạn cảm xúc và hành vi, các bệnh phối hợp...
- Rượu và thuốc lá có tác dụng cộng hưởng gây nên ung thư phổi, thanh quản, khoang miệng.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý:
- Chế độ ăn giàu Lipid hoặc có đậm độ năng lượng cao và nghèo vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì. Từ đó sẽ dẫn đến các bệnh tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ, đái đường, ung thư (gan, vú, tử cung, buồng trứng, đại trực tràng...)
- Ăn nhiều muối và các thực phẩm ướp muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, một số loại ung thư (vòm họng, dạ dày)
- Thức ăn rán, nướng quá cháy, ăn quá nhiều thịt có màu đỏ giàu chất béo như thịt bò, lợn, cừu... cũng làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa (ung thư đại trực tràng).
- Ăn các loại thực phẩm bị mốc (nhiễm Aflatoxin) dễ bị ung thư gan, ăn dưa khú, cà muối dễ bị ung thư vòm họng.
- Ăn uống nhiều chất kích thích như rượu bia, cà phê, chè, ớt... dễ gây mắc các bệnh dạ dày, trĩ, ung thư vú...
- Ăn ít rau, hoa quả dễ bị các bệnh tăng huyết áp, tim mạch (bệnh mạch não, mạch vành), ung thư đại trực tràng...
Cuộc sống ít vận động:
- Lối sống tĩnh tại ít vận động, thời gian dành cho xem tivi, đọc báo, làm việc bằng máy vi tính, nói chuyện qua điện thoại, lái xe, ăn uống... nhiều, cùng với khẩu phần ăn không hợp lý, dư thừa năng lượng sẽ dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Cùng khẩu phần năng lượng như nhau, nhóm người ít vận động sẽ có nguy cơ bị béo phì và một số bệnh không lây nhiễm khác cao hơn so với nhóm người vận động nhiều.
Căng thẳng thần kinh:
- Cuộc sống căng thẳng, luôn phải lo lắng, buồn rầu sẽ dẫn tới các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn tâm thần...
- An ninh xã hội không bảo đảm, các tệ nạn xã hội phát triển cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên.
Tổn thương thực thể:
- Tổn thương thực thể ở não (chấn thương sọ não, viêm não, thoái hóa não, tai biến mạch máu não...) dễ dẫn tới các rối loạn tâm thần.
- Các bệnh viêm nhiễm như viêm gan B, viêm dạ dày, viêm cổ tử cung... dễ dẫn đến ung thư.
- Viêm tụy dễ dẫn đến đái tháo đường.
- Các tổn thương thực thể do bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động... ngày càng gia tăng ở Việt Nam và gây ra những hậu quả nặng nề cho người dân và xã hội.
Ô nhiễm môi trường:
- Ô nhiễm không khí do chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
- Ô nhiễm môi trường lao động do hóa chất, tia phóng xạ, tia cực tím, điện từ trường là nguyên nhân dẫn tới ung thư và một số bệnh nghề nghiệp khác.
- Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bừa bãi làm ô nhiễm môi trường đất, nước và thực phẩm cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
- 80% ung thư có nguyên nhân từ môi trường.
Tuổi cao:
- Mọi người khi ở tuổi từ 40 trở lên sẽ có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm cao hơn khi còn trẻ tuổi.
Di truyền:
- Nhiều bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường và một số loại ung thư như ung thư vú, đại tràng, u nguyên bào võng mạc, rối loạn tâm thần có liên quan tới di truyền. Trong gia đình có người mắc những bệnh này thì các thành viên khác cũng có nguy cơ mắc bệnh tương tự.
Theo BS Lê Xuân Thủy
TT TTGDSK TƯ/Tuổi trẻ